Siết chặt quản lý để tránh biến tướng của tour du lịch giá rẻ

Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt trong khu vực và trên thế giới, nhiều hãng lữ hành đã áp dụng biện pháp thu hút khách bằng tour giá rẻ. Việt Nam đang là một trong số những thị trường hút khách qua các dạng tour nói trên. Tuy nhiên, có một thực tế là càng nhiều du khách lựa chọn điểm đến bằng tour giá rẻ thì hình ảnh điểm đến đó lại càng bị ảnh hưởng.

Tỷ lệ du khách quay trở lại Việt Nam đang ngày càng gia tăng

Từ giá rẻ biến tướng thành 0 đồng

Về bản chất, tour giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí, ăn uống… Việc liên kết, tái phân bố lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch. Và tour 0 đồng chính là biến tướng từ tour giá rẻ nói trên.

Theo ông Nguyễn Quý Phương (Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch) tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức sau: Tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, nhờ đó giá tour được giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tour cho khách đi ngắn ngày, cắt giảm chương trình tour, ép khách phải vào điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp, giá cả cao gấp nhiều lần giá thực tế.

Đặc biệt, tour đi theo đường bộ vào Việt Nam, Công ty lữ hành của nước bạn vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại cho công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên du lịch Việt Nam với giá rẻ hoặc 0 đồng. Vì vậy, các Công ty Du lịch Việt Nam hoặc hướng dẫn viên Việt Nam phải lấy chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách.

Mặt tích cực mà các tour dạng này mang lại không phải là không có, bởi lẽ khách vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến nên vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa. Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ là đòn bẩy tăng khả năng hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Đặc biệt, nó còn làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách mùa thấp điểm..

Thế nhưng tour giá rẻ cũng mang đến đầy rẫy những điều không mong muốn bởi về lâu về dài sẽ làm xấu hình ảnh của điểm đến nếu không quản lý một cách hiệu quả. Việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách và hoạt động quản lý điểm đến, một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của khách du lịch chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế.

Bên cạnh đó, việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) không qua hệ thống ngân hàng, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.

Chính vì thế yêu cầu đặt ra là việc quản lý tour giá rẻ cần phải đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, quản lý được chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi khách du lịch cùng hình ảnh điểm đến và nguồn thu thuế cho Nhà nước.

Ngăn chặn sự tiếp tay của công ty lữ hành trong nước

Điểm mấu chốt để duy trì và tồn tại được tour giá rẻ hay 0 đồng là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam.

Trao đổi cùng phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, khi nghiên cứu, phát hiện tiêu cực trong các hoạt động du lịch, Bộ VH-TT&DL sẽ có văn bản hướng dẫn, tham mưu, chỉ đạo địa phương vào cuộc xử lý tiêu cực. Ở đây, trách nhiệm của địa phương là chủ yếu vì họ mới là người quản lý địa bàn, có chức năng giải quyết các vấn đề xảy ra trên địa bàn, có thanh tra, công an, có thuế, có cả các chi nhánh ngân hàng quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngoại tệ…

Thời gian qua, việc quản lý các tour giá rẻ được làm khá chặt chẽ ở một số địa phương, tiêu cực cơ bản đã được đẩy lùi, ví dụ như ở Quảng Ninh. Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng đang siết chặt quản lý các hoạt động này. Song có một thực tế là cứ mạnh tay thì giảm mà buông một thời gian thì tour trái phép lại nổi lên.

Chính vì thế, để xử lý ngăn chặn tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ cần tập trung vào các giải pháp như: nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, do người nước ngoài núp bóng điều hành, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.

Theo số liệu Tổng Cục Du lịch cung cấp, việc chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế tại thời điểm năm 2014 và 2017: Khách đến từ hầu hết các thị trường đều gia tăng mức chi tiêu bình quân một ngày. Trong đó có 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc tăng 28,5% (từ 133,4 USD/ngày lên 171,5 USD/ngày) và Trung Quốc tăng 9,6% (từ 118,6 USD/ngày lên 130,1 USD/ngày). Về tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ lần thứ hai trở lên (tức tỷ lệ khách quay lại), năm 2017, tỷ lệ khách quay lại là 40,4%, tăng so với tỷ lệ năm 2014 là 33,0%.

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/siet-chat-quan-ly-de-tranh-bien-tuong-cua-tour-du-lich-gia-re/786741.antd