Siết chặt quản lý đất san lấp mặt bằng

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn. Điều này cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo ngày càng quyết liệt của tỉnh nhằm giải quyết những hạn chế trong công tác quản lý khoáng sản, nhất là khi nạn khai thác đất san lấp trái phép vẫn tái diễn phức tạp trên địa bàn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, báo chí Thái Nguyên tốn khá nhiều công sức phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên. Một số đầu nậu đứng ra “nhận thầu” với các dự án cần san lấp để thu mua đất lậu ở các nơi mang về. Có cầu ắt có cung, không ít đơn vị, cá nhân hoạt động dịch vụ vận tải đã tỏa đi các địa phương để mua đồi đất, tự ý đưa máy xúc vào múc đất chở đi tiêu thụ một cách ngang nhiên. Đây là hoạt động khai thác tài nguyên trái phép làm mất an ninh trật tự, thất thu ngân sách, vi phạm Luật Đất đai, Luật Khoáng sản…

Trước phản ánh của báo chí, các địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xử lý, song dường như không thể giải quyết triệt để. Các đối tượng vẫn lén lút khai thác đất mang đi tiêu thụ. Tìm hiểu thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án đầu tư mới cần san lấp mặt bằng, trong khi mỏ đất được cấp phép rất ít, không đủ phục vụ nhu cầu. Do vậy mới dẫn tới tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép đất ở một số địa phương.

Thực trạng này thời gian tới chắc chắn sẽ được khắc phục, nếu các ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh. Bởi, Chỉ thị đã bao chùm tất cả các hoạt động quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, trong đó có hoạt động quản lý tài nguyên đất là vật liệu xây dựng thông thường. Chỉ thị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, đất san lấp. Bên cạnh đó, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng san gạt mặt bằng, nạo vét khơi thông để khai thác khoáng sản, đất san lấp trái phép.

Yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản, đất san lấp trái phép. Đặc biệt, yêu cầu UBND cấp huyện trong tỉnh phối hợp rà soát, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có đất san lấp) có nguồn gốc hợp pháp sử dụng trong các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Đối với các trường hợp không chứng minh được nguồn gốc vật liệu khai thác hợp pháp, kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, lợi dụng san gạt mặt bằng để khai thác đất san lấp không đúng quy định trên địa bàn quản lý…

Như vậy có thể thấy, các yêu cầu về quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản, trong đó có khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường đã được tăng cường mạnh mẽ. Tất cả chỉ còn chờ vào ý thức, trách nhiệm và quyết tâm triển khai thực hiện của các cấp, ngành liên quan. Hy vọng, không chỉ việc quản lý đất san lấp mặt bằng mà công tác quản lý khoáng sản nói chung trên địa bàn được chấn chỉnh kịp thời và đi vào nền nếp.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/siet-chat-quan-ly-dat-san-lap-mat-bang-280717-108.html