Siết chặt quản lý biên giới Tây Nam để ngăn chặn dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước trong khu vực, dự báo, làn sóng người nhập cư vào nước ta sẽ tiếp tục tăng cao, trong đó nhiều người nhập cảnh bằng con đường bất hợp pháp. Vì vậy, các địa phương, khu vực vùng Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới với Cam-pu-chia cần triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống nhập cảnh trái phép, đưa ra nhiều kịch bản, lên kế hoạch ứng phó tình hình dịch ngày càng phức tạp.

Chốt Biên phòng phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới TP Hà Tiên (Kiên Giang).

Chốt Biên phòng phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới TP Hà Tiên (Kiên Giang).

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước trong khu vực, dự báo, làn sóng người nhập cư vào nước ta sẽ tiếp tục tăng cao, trong đó nhiều người nhập cảnh bằng con đường bất hợp pháp. Vì vậy, các địa phương, khu vực vùng Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới với Cam-pu-chia cần triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống nhập cảnh trái phép, đưa ra nhiều kịch bản, lên kế hoạch ứng phó tình hình dịch ngày càng phức tạp.

Nguy cơ lây nhiễm rất cao

Trong chuyến khảo sát tỉnh Kiên Giang mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, các tỉnh Tây Nam Bộ có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao, trong đó các tỉnh chung đường biên giới với Cam-pu-chia có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tỉnh Kiên Giang có nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao tại hai thành phố (TP) Phú Quốc và Hà Tiên. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, tỉnh này có 12 huyện và ba TP có đường biên giới chung với Cam-pu-chia, tổng chiều dài biên giới đường bộ là 56 km, đường bờ biển hơn 200 km. Biển Kiên Giang có hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, với hơn 63 nghìn km2 mặt biển, mỗi ngày có hàng nghìn tàu cá của hai nước hoạt động. Hiện số người Cam-pu-chia gốc Việt và người Việt đang sinh sống làm ăn tại Cam-pu-chia là hơn 162 nghìn người. Trong số này, khoảng 12 nghìn người lao động tự do hoặc làm công nhân ở các công ty, nhà máy, cuộc sống khó khăn, là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch Covid-19.

Khi Cam-pu-chia bùng phát dịch, chính quyền sở tại thực hiện lệnh phong tỏa, nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ… phải đóng cửa nên những người này bị thất nghiệp, tìm mọi cách trở về Việt Nam. Cùng với đó, một bộ phận người Việt đang mưu sinh trên khu vực Biển Hồ cũng khó khăn thiếu thốn, không được chăm sóc y tế, rất cần được hỗ trợ. Theo thống kê của UBND tỉnh Kiên Giang, từ ngày 20-2 (được đánh dấu là sự kiện lây nhiễm cộng đồng) đến nay đã có hơn 1.400 trường hợp công dân Việt Nam từ Cam-pu-chia nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, đã phát hiện 37 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng trong tỉnh Kiên Giang đã phát hiện 41 vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh với 191 người.

Tỉnh An Giang có đường biên giới với Cam-pu-chia dài gần 100 km, gồm năm huyện, thị xã, thành phố, trong đó huyện An Phú có đường biên giới dài khoảng 42,5 km. Ðây là khu vực nóng nhất hiện nay, vì An Phú chỉ ngăn cách với Cam-pu-chia bởi con sông Bình Di. Nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối dùng xuồng nhỏ bơi sang sông, thậm chí lội qua. Ðể kiểm soát người nhập cảnh, tỉnh An Giang đã phối hợp Tổng Hội Việt kiều tại Cam-pu-chia vận động, tuyên truyền người dân ở lại, thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại. Ðồng thời hỗ trợ kinh phí, thực phẩm, y tế… cho người Việt có hoàn cảnh khó khăn tại Cam-pu-chia để mọi người an tâm không di chuyển. Ðáng lo ngại, hằng năm từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch) tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam sẽ diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt người từ khắp mọi miền đến tham quan. Lo sợ dịch bệnh bùng phát, chính quyền TP Châu Ðốc đã lên ba phương án tổ chức nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh như giảm quy mô, thực hiện giải pháp 5K, yêu cầu du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt... Tuy nhiên đây là một lễ hội tâm linh lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, đã trở thành tập tục, tín ngưỡng của người dân Nam Bộ, cho nên việc người dân "ùn ùn trảy hội" về núi Sam, Châu Ðốc là khó tránh khỏi.

Tỉnh Ðồng Tháp cũng có 50,5 km đường biên giới giáp với Cam-pu-chia, với bảy cửa khẩu và rất nhiều đường mòn, lối mở trên bộ, trên sông. Thực tế thời gian qua, Ðồng Tháp gặp nhiều khó khăn trong công tác tiếp nhận, quản lý các đối tượng nhập cảnh từ Cam-pu-chia và công tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức. Cơ sở vật chất ở một số khu cách ly tập trung chưa đủ điều kiện và chưa có khách sạn đăng ký cách ly cho đối tượng là chuyên gia, doanh nhân nước ngoài.

Siết chặt, quản lý khép kín tuyến biên giới

Là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, thời gian qua các địa phương luôn chủ động và đi trước các tình huống nên đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn được kiểm soát. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh thành lập 11 tổ kiểm tra công tác tuyên truyền, phát động phong trào "Toàn dân phòng, chống dịch" tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Nhờ đó, An Giang kiểm soát tốt dịch bệnh. Người dân vùng biên giới đã ý thức được nếu dịch bệnh xảy ra nơi họ ở, họ sẽ bị cách ly nhiều ngày, đời sống sẽ bị xáo trộn nên nghiêm túc thực hiện các biện pháp, yêu cầu địa phương đưa ra. Hiện nay, vùng biên giới của tỉnh An Giang có gần 1.500 chiến sĩ thuộc các đơn vị tuần tra kiểm soát ngăn chặn nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch bệnh. Nhưng để công tác này hoàn thành tốt, các lực lượng, chính quyền địa phương phải nhờ vào tai mắt trong dân. Mỗi người dân là một chiến sĩ, khi phát hiện người từ vùng dịch, người lạ xuất hiện tại địa phương, nhân dân báo ngay cho cơ quan chức năng, người có trách nhiệm xử lý. Nhằm kịp thời phát hiện sớm, sàng lọc những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, tỉnh An Giang đã đầu tư hệ thống xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang. Bên cạnh đó, tỉnh đang tiến hành các thủ tục mua sắm trang thiết bị, triển khai thêm phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh tại TP Châu Ðốc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. An Giang đang xem xét trưng dụng khu đất dự phòng của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành để xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðồng Tháp đã phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khép kín biên giới, duy trì 100% quân số trực tại các tổ chốt, các đường mòn, lối mở, đóng 17 chốt cố định. Hiện tỉnh Ðồng Tháp có năm khu cách ly y tế tập trung do tỉnh quản lý, tất cả trường hợp cách ly tập trung đều được lấy mẫu xét nghiệm hai lần theo quy định. Trong công tác giám sát, cách ly chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh, UBND tỉnh Ðồng Tháp chỉ đạo giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu Dinh Bà, Thường Phước. Ðồng Tháp cũng đã thực hiện chín đợt giám sát tại khu vực biên giới, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép...

Tại Kiên Giang, hai ngày qua các đoàn công tác của tỉnh đã liên tục đến TP Hà Tiên và TP Phú Quốc để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và công tác ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Ðiều đáng lo ngại, là trong những ngày gần đây lực lượng chức năng vẫn liên tục bắt giữ và đưa đi cách ly tập trung nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép tại hai địa phương này. Trong khi đó, Phú Quốc, Hà Tiên là hai địa điểm du lịch nổi tiếng đang thu hút khá đông khách du lịch trong dịp lễ 30-4 năm nay. Hiện nay, các địa phương này đang siết chặt công tác kiểm soát biên giới, bố trí 128 chốt (tổ), hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ trực. Trên biển có lực lượng tuần tra gồm chín tàu, hai xuồng của Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư và Cảnh sát biển. Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Phú Quốc mới đây, đồng chí Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Kiên Giang yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố Phú Quốc triệu tập tất cả lực lượng và đặt Phú Quốc trong tình huống khẩn cấp để tác chiến, siết chặt và quản lý khép kín tuyến biên giới từ ngày 27-4. Theo đó, Phú Quốc nhanh chóng huy động ngay lá chắn thứ ba là lực lượng dân quân tự vệ, bố trí lực lượng rộng khắp các đảo, hoạt động 24/24 giờ để phối hợp các lực lượng khác, kịp thời phát hiện, kiểm soát diễn biến trên đảo. Rà soát lại các kế hoạch và nâng cấp độ dịch bệnh lên mức cực kỳ nguy hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép, kích hoạt lại toàn bộ các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho kiều bào Việt Nam đăng ký nhập cảnh về nước.

TP Hà Tiên đã thành lập Ban điều hành phòng, chống dịch Covid-19 cùng với hai tổ chuyên môn trực tiếp hỗ trợ 24/24 giờ. Kiên Giang cũng cho xây dựng bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên quy mô 300 - 500 giường với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản như rà soát nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... để sẵn sàng điều động, điều tiết từ các cơ sở y tế cho bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động.

Bài, ảnh: VIỆT TIẾN, THANH DŨNG và HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/xahoi/siet-chat-quan-ly-bien-gioi-tay-nam-de-ngan-chan-dich-covid-19-643712/