Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người sử dụng, cơ quan chức năng tỉnh BR-VT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, siết chặt quản lý, nhất là thời điểm Tết Dương lịch 2021 và Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh lấy mẫu thịt heo tại chợ Phường 1 (TP. Vũng Tàu) để kiểm tra các chỉ số ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh lấy mẫu thịt heo tại chợ Phường 1 (TP. Vũng Tàu) để kiểm tra các chỉ số ATTP.

VẪN CÒN VI PHẠM ATTP

Cùng Đoàn kiểm tra ATTP của Sở Công thương đi thực địa tại các chợ truyền thống, chúng tôi nhận thấy, nhiều thực phẩm chín được bày bán cạnh thực phẩm tươi sống; thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Bên cạnh đó, nhiều chợ có không gian chật hẹp, trang thiết bị, dụng cụ, kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định. Chẳng hạn, chợ Bến Đình (TP. Vũng Tàu) được xây dựng lâu năm nên hiện nay đã xuống cấp. Các lối đi dẫn vào chợ nhỏ và lầy lội, nhất là vào mùa mưa, người đi chợ luôn phải né những vũng nước đọng. Nhiều gian hàng bày bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến tràn xuống cả lối đi. Tại chợ Năm Tầng và chợ phường 1 (TP. Vũng Tàu), hoạt động sơ chế thịt gia cầm sống trong chợ vẫn còn, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP và ô nhiễm môi trường.

Đoàn kiểm tra Sở Công thương đã kiểm nghiệm nhanh 1.637 mẫu thực phẩm tại 61 chợ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Đoàn phát hiện 15 mẫu dương tính với hàn the, chiếm tỷ lệ 0,98% trên tổng số mẫu kiểm tra gồm: 3 mẫu thịt xay (4,9kg) tại chợ Vũng Tàu, chợ Hắc Dịch, chợ Hòa Long; 3 mẫu chả chay (1,9kg) tại chợ Mỹ Xuân, chợ Hòa Long, chợ Phước Bửu; 1 mẫu chả chiên (đã bán hết) tại chợ Mỹ Xuân; 4 mẫu mì tươi (7,5kg) tại chợ Mỹ Thạnh, chợ Bình Châu, chợ Long Hải; 1 mẫu bánh xu xê (1,2kg) tại chợ Đất Đỏ; 1 mẫu bánh đúc (đã bán hết) tại chợ Phước Tỉnh; 1 mẫu bánh lọc (0,5kg) tại chợ Long Điền; 1 mẫu chả mộc (1,1kg) tại chợ Long Hương.

Đối với các mẫu thực phẩm phát hiện có chứa hàn the, Đoàn đã tiêu hủy trước sự chứng kiến của BQL chợ. Đoàn yêu cầu các hộ tiểu thương viết cam kết không bán thực phẩm có chứa chất cấm, không bảo đảm ATTP có sự xác nhận của BQL chợ; đồng thời đề nghị BQL chợ rà soát, kiểm tra tất cả các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ.

Bên cạnh đó, một số tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ vẫn chưa đăng ký nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với BQL chợ; chưa lập sổ theo dõi mua hàng, chưa lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán, khám sức khỏe và xác nhận kiến thức ATTP, chưa chủ động thực hiện việc tập huấn xác nhận kiến thức ATTP theo quy định. Mặt khác, điều kiện về cơ sở vật chất một số chợ truyền thống (chủ yếu ở khu vực nông thôn) chưa bảo đảm các quy định về vệ sinh ATTP như: bố trí, thiết kế quầy sạp chưa hợp lý, thực phẩm còn bày bán dưới sàn, chợ chưa có hệ thống xử lý nước thải, một số khu vực buôn bán bị ứ đọng nước...

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm đến nay, Cục đã phát hiện 42 vụ vi phạm trong kinh doanh và vệ sinh ATTP, đã xử lý 40 vụ với tổng số tiền phạt hơn 286 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu hơn 21 triệu đồng. Ngoài ra, Cục còn phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 406 cuộc về ATTP, trong đó phát hiện 30 cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: kinh doanh gia cầm tại điểm không được phép, không đeo bao tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, nơi chế biến, bảo quản thực phẩm có côn trùng xâm nhập… Các đoàn kiểm tra đã phạt tiền 24 cơ sở với số tiền 143 triệu đồng và nhắc nhở 6 cơ sở.

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT ATTP CAO ĐIỂM TẾT

Theo Sở Công thương, sau hơn 3 năm Sở ban hành Bộ quy tắc ứng xử của tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh và tăng cường các biện pháp tuyên truyền các quy định pháp luật trong lĩnh vực ATTP tại chợ, nhận thức của người dân và tiểu thương về vấn đề vệ sinh ATTP đã được cải thiện. Người tiêu dùng quan tâm hơn về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, chọn mua thực phẩm từ những địa chỉ đáng tin cậy. Điều đó đòi hỏi tiểu thương cũng phải quan tâm hơn đến các yêu cầu về ATTP để phục vụ người tiêu dùng, từng bước đưa việc quản lý ATTP tại chợ đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, việc kiểm soát vệ sinh ATTP phải được thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn. Ông Nguyễn Minh Hiền, Phó Trưởng Phòng Y tế huyện Xuyên Mộc cho biết, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện chủ yếu là hộ cá thể, nhỏ lẻ. Do vậy, các quy định về ATTP hiện nay khó áp dụng trong thực tế sản xuất nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn; khi xảy ra vi phạm về ATTP khó truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. “Để công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP đạt hiệu quả, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu, huyện sẽ tăng cường phổ biến kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ lấy mẫu test nhanh các chỉ số ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Hiền nói.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát việc bảo đảm vệ sinh ATTP, lấy mẫu xét nghiệm các tiêu chí đánh giá ô nhiễm về vi sinh, hóa học để cảnh báo sớm tới cộng đồng. Song song đó, sở duy trì và nhân rộng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn và nhân rộng mô hình chợ bảo đảm ATTP; ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và có biện pháp xử lý nghiêm, tạo được sự răn đe đối với cơ sở vi phạm. “Từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm cao, hàng hóa nhiều, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP, chất lượng cũng như nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, sở cũng khuyến cáo người dân nên mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”, ông Thôi nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202012/siet-chat-quan-ly-an-toan-thuc-pham-915364/