Siết chặt quản lý an toàn cháy, nổ tại các chung cư

Với việc ban hành Chỉ thị số 04 /CT-UBND (ngày 29-3-2018) về triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng cháy, nổ đáng báo động hiện nay.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 406 chung cư cao hơn 10 tầng, 508 chung cư dưới 10 tầng, 391 công trình nhà cao tầng như văn phòng, chợ, trung tâm thương mại...Trong số đó, có nhiều chung cư xây dựng sau khi có Luật PCCC (năm 2001) nhưng không được thẩm duyệt và nghiệm thu về công tác PCCC.

Qua khảo sát, có nhiều công trình không bảo đảm điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng. Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý xây dựng, cơi nới lấn chiếm hành lang, lối đi cầu thang thoát hiểm, câu mắc hệ thống điện, sử dụng thiết bị điện không an toàn cũng rất phổ biến.

“Trên địa bàn thành phố hiện có 12 chung cư chưa bảo đảm tiêu chuẩn PCCC nhưng chủ đầu tư đã để người dân vào ở. Cảnh sát PCCC đã tạm đình chỉ hoạt động một vài chung cư, nhưng chưa có hiệu quả. Đơn cử như hồi năm 2016, chủ đầu tư chung cư Bảy Hiền Tower (số 9, Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình) đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống PCCC”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết thêm.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cũng cung cấp con số đáng giật mình: 474 chung cư cũ hiện nay trên địa bàn thành phố đều không có hệ thống PCCC; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội và một số chung cư nhà ở thương mại chất lượng thấp… hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Có chung cư hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục "báo cháy giả" cho nên cư dân có thói quen "bình thản" khi nghe báo cháy và nếu xảy ra cháy thật sẽ rất nguy hiểm. Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền". Cửa ngăn khói các tầng bị chèn, mở thông để tiện đi lại mà nếu xảy cháy thì không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập.

Lý giải nguyên nhân tồn tại, Cảnh sát PCCC thành phố cho rằng, một phần do chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, cho nên các chủ đầu tư vẫn cố tình đưa dân vào ở trong các chung cư chưa hoàn thiện; chủ đầu tư khó khăn về vốn và do áp lực về chỗ ở của người dân; các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm cho nên để xảy ra vi phạm kéo dài…

Mới đây nhất, vào khoảng 18 giờ, ngày 1-4 lại xảy ra cháy tại căn hộ ở tầng 8, chung cư PARC Spring (phường Bình Trưng Đông, quận 2) khiến hàng trăm người dân nháo nhào di chuyển xuống mặt đất với tâm trạng hoảng sợ. Cảnh sát PCCC quận 2 đã kịp thời điều lực lượng đến hiện trường và dập tắt đám cháy sau 30 phút. Vụ cháy làm hư hỏng gần như toàn bộ tài sản trong căn hộ nhưng không gây thiệt hại về người do chủ căn hộ đi vắng. Cảnh sát PCCC quận 2 cho biết, đơn vị này đã kiểm tra hệ thống chuông báo động và hệ thống chữa cháy chung cư này vào ngày 30-3 và ghi nhận mọi thứ “hoạt động tốt”. Trong ngày 31-3, lực lượng PCCC cũng đã tổ chức buổi tập huấn thoát nạn khi xảy ra cháy cho cư dân chung cư.

Trong thời gian tới, Cảnh sát PCCC thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát, phân loại, đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng. Những chung cư, nhà cao tầng đã được Cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục mà không thực hiện, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về PCCC mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị công bố danh sách công khai. Các chung cư, nhà cao tầng sẽ được kiểm tra PCCC định kỳ mỗi năm bốn lần và kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm. Công tác kiểm tra sẽ chặt chẽ, có thực nghiệm tất cả các nội dung liên quan đến cháy, nổ.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Chỉ thị của UBND thành phố quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình, người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện liên quan nếu để xảy ra vi phạm về PCCC. Yêu cầu các ngành, địa phương của thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PCCC trong việc rà soát, thống kê, đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng. Qua đó công bố rõ danh sách chung cư, nhà cao tầng chưa thành lập ban quản lý, ban quản trị và không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung yêu cầu kiến nghị về an toàn PCCC cũng như vi phạm trong đầu tư xây dựng.

Cảnh sát PCCC sẽ công bố danh sách các chung cư an toàn, chung cư chưa an toàn theo các cấp A, B, C, D cho cư dân biết để phối hợp giám sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ thông tin định kỳ tình trạng chung cư trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành phố cũng sẵn sàng vận dụng cơ chế đặc thù của TP Hồ Chí Minh để áp dụng chế tài xử phạt ở mức cao hơn.

Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, cháy, nổ không chỉ "nóng" tại chung cư, sẽ không nơi nào an toàn nếu những người liên quan không có ý thức PCCC. Vì thế, công tác bảo đảm PCCC phải luôn luôn thường trực. Gần đây, các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, nhà hàng,… cũng đang có nguy cơ cháy, nổ cao. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt thì doanh nghiệp sang tên, thay chủ liên tục nhằm đối phó. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, xem lại kết cấu xây dựng đối với những cơ sở kinh doanh này nhằm kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn PCCC.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/35968102-siet-chat-quan-ly-an-toan-chay-no-tai-cac-chung-cu.html