Siết chặt kỷ cương tài chính ngân sách

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu.Ảnh: Q.H

Dồn lực cho nông nghiệp, công trình trọng điểm

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 phải thực hiện thành công tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho nên cần cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công, quản lý tốt quy hoạch của từng địa phương với cả nước, bố trí vốn cho các công trình trọng điểm quốc gia để tránh tăng nợ công, và tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo bà Tuyết, 5 năm tới nông nghiệp vẫn đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cho nên cần nâng cao chất lượng theo hướng nâng cao giá trị gắn với nền nông nghiệp sạch với các cây trồng chủ lực, rau quả riêng biệt, cung cấp giống mới để đạt chất lượng và đột phá theo hướng chuyên canh gắn với biến đổi khí hậu và thị trường. Đồng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020 cần thanh toán nợ đọng, tập trung bố trí vốn để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia, trọng điểm đế phát triển đất nước tạo sự lan tỏa đối với các vùng xung quanh. Phát triển kinh tế vùng, liên vùng, khai thác kinh tế vùng thiết thực hiệu quả. Phải thống nhất liên kết vùng, liên vùng để nguồn lực được tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

ĐB Phạm Phú Quốc (TP.Hồ Chí Minh) nhìn nhận, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn thu thuần của Việt Nam dựa phần nhiều vào tài nguyên nước, dầu thô. Do đó Chính phủ phải nuôi dưỡng tìm nguồn thu mới và giảm chi. Theo đó, Chính phủ phải tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn, thay vì gửi tiết kiệm. Bên cạnh chương trình khởi nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh cần khuyến khích thành lập những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia với doanh thu, lợi nhuận lớn hơn GDP quốc gia.

Tiếp tục thể chế hoàn thiện quản lý nợ công

Giải trình về vấn đề nợ công tăng nhanh mà các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Quy mô nợ công năm 2015 khoảng 2,68 triệu tỉ đồng (gấp 2,3 năm 2010) và 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công 2011 - 2015 bằng 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là 5,91%. Hàng năm phải đảo nợ với con số năm 2014 là 106.000 tỉ đồng; năm 2015 là 125.000 tỉ; đồng năm 2016 là 95.000 tỉ đồng. Cho nên các ĐB nói nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là hoàn toàn đúng.

Theo ông Dũng, nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Đại hội Đảng XI đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7 - 7,5%. Nhưng sau đó Quốc hội đã quyết định mục tiêu GDP 6,5 - 7%/1 năm. Thực hiện giá trị GDP không đạt như dự toán làm tỉ lệ nợ công tăng lên như năm 2015 nợ công tăng thêm 0,9% so với GDP dự toán.

Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, kể cả tái cơ cấu nông nghiệp đều không đạt yêu cầu trong khi 5 năm qua giảm thu để thúc đẩy sản xuất, giá dầu thô giảm. Chi thường xuyên đã lên tới 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước và chi cho con người tác động đến 7/10 của tăng chi thường xuyên. Riêng nợ công tuyệt đối tăng lên 1,2 triệu tỉ đồng.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, ông Dũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, ngân sách và thời gian tới sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công, hiện đang rà soát lại chiến lược nợ công và chính sách về thuế theo đề án đảm bảo an toàn nợ công và việc này đã báo cáo Bộ Chính trị. Tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài, đồng thời tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công. Giải trình tiếp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề rất khó, các nhiệm vụ và mục tiêu rất nhiều trong khi ngân sách của chúng ta hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội rất khó khăn. Trong khi đó chúng ta cũng phải đảm bảo việc khắc phục hạn chế, yếu kém thời gian qua trong sử dụng đầu tư công.

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/siet-chat-ky-cuong-tai-chinh-ngan-sach-606827.bld