Siết chặt hơn ý thức chấp hành an toàn thực phẩm của cá nhân, doanh nghiệp

Theo đó, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10 tới có mức xử phạt khá cao.

Ngày 9/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức “Hội nghị triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phổ biến, hướng dẫn Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật mới” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chủ trì hội nghị.

Hiện nay, khá nhiều thực phẩm bán qua hình thức online, hàng xách tay, đặt hàng qua điện thoại, không có cửa hàng, trang web trôi nổi... nên gây khó khăn cho các cơ quan kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm, chống hàng nhái, hàng giả.

Ngay cả các sản phẩm sản xuất trong nước, có công ty sản xuất nhưng khi họ sai phạm về quảng cáo trên các trang mạng xã hội, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì công ty sản xuất đều cho biết "họ không thực hiện quảng cáo đó".

Bên cạnh đó, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng về sản phẩm vẫn chưa có cơ chế để kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng tăng và tinh vi hơn trong thời gian gần đây, Cục đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định 178 trước đây sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018.

Nghị định 115 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm (sản xuất không công bố sản phẩm; đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe: sản phẩm giảm cân, sinh lý nam, ăn ngon, ngủ ngon…); quảng cáo quá mức, quảng cáo khi không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Để hạn chế tình trạng trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị, thời gian tới các đơn vị liên quan cần tiếp tục công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm.

Tiếp tục tăng cường trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, nâng cao năng lực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở cấp tỉnh, huyện và xã cần tăng cường công tác hậu kiểm…

Toàn cảnh hội nghị.

Cùng với thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương.

"Quyền của doanh nghiệp lớn thì trách nhiệm của doanh nghiệp cũng phải lớn hơn.

Các địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm.

Nếu phát hiện doanh nghiệp tự công bố an toàn thực phẩm không đúng mức giới hạn thì phải buộc doanh nghiệp tự thu hồi toàn bộ sản phẩm và phạt tiền với mức phạt nặng", nhấn mạnh Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã thanh , kiểm tra được 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 24.603 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42,5 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm các cơ quan chức năng còn đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở; 3.926 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn…

Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện là vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.

Nhật Minh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/suc-khoe/siet-chat-hon-y-thuc-chap-hanh-an-toan-thuc-pham-cua-ca-nhan-doanh-nghiep-post191900.gd