Siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong bệnh viện

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, việc siết chặt quy trình phòng dịch tại các cơ sở y tế là rất quan trọng. Bởi lẽ, các cơ sở y tế không chỉ là nơi tập trung đông người mà còn có nhiều bệnh nhân, sức khỏe yếu, nếu không may bị lây nhiễm Covid-19 sẽ rất nguy hiểm.

Thành lập phòng khám dã chiến

Ngay trong tháng 8/2020, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Quốc tế Dolife, Bệnh viện Phụ sản Trung ương...

Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Qua kiểm tra ở các bệnh viện trên cho thấy, đa phần các bệnh viện có phòng khám sàng lọc và có khu khám cách ly riêng biệt đối với trường hợp nghi nhiễm Covid- 19; thực hiện tổng vệ sinh khử khuẩn khuôn viên bệnh viện thường xuyên... Đặc biệt, nhiều đơn vị dù không nằm trong danh sách các bệnh viện trực tiếp chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, nhưng luôn chủ động ngay từ những ngày đầu có dịch. Nhiều bệnh viện đã họp bàn và đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, tổ chức đội phản ứng nhanh để kịp thời chi viện cho tuyến dưới khi cần có sự hỗ trợ chuyên môn.

Đơn cử, vừa qua Đoàn kiểm tra số 5 của Bộ Y tế do ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Ngay từ đầu dịch đến nay, Bệnh viện luôn có các phương án phòng, chống dịch hết sức chặt chẽ bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả, chất lượng. Công tác này được xem là trọng tâm và được thực hiện liên tục, không nghỉ. Theo đó, để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, giữ an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, Bệnh viện đã lắp đặt, đưa vào sử dụng phòng khám dã chiến contener với trang thiết bị hiện đại, nhân lực chuyên môn cao; đồng thời dành một khu riêng biệt làm phòng bệnh nội trú cho những ca bệnh nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ...

Trong đó, phòng khám dã chiến contener được Bệnh viện đặt ngay bên phải lối cổng vào Tràng Thi. Hiện Bệnh viện chỉ tổ chức một lối đi duy nhất vào bệnh viện ở khu vực cổng này cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân – tất cả mọi người khi đến khám, đi cùng người bệnh đều phải khử khuẩn đồ dùng cá nhân, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi được phân luồng đến khám tại các khoa, phòng chuyên môn. Theo đó, sau khi người bệnh hoặc các sản phụ kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế có yếu tố bất thường ngay tại cổng ra vào, nhân viên y tế sẽ dẫn người bệnh đến khu vực riêng này để được khám. Vì vậy, không hề ảnh hưởng đến khu vực khám chung của các thai phụ khác.

Ngoài khu vực khám riêng tại phòng dã chiến này, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng lập khu nội trú riêng cho các ca bệnh nghi ngờ này. Các khu vực khám, điều trị riêng, khu vệ sinh công cộng, khu vực ngồi chờ khám tại Bệnh viện luôn được khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ. Trong trường hợp bệnh nhân được khẳng định dương tính virus SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ được chuyển sang Bệnh viện đa khoa Đức Giang theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã bố trí 1 phòng cách ly tại khu vực phòng khám đảm bảo riêng biệt, thuận tiện cho việc tiếp nhận cũng như di chuyển người bệnh. Ngoài ra còn bố trí phòng cách ly tại khoa sản nhiễm khuẩn. Thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp phòng chống dịch như đúng với Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Y tế “Chống dịch như chống giặc”…

Qua công tác kiểm tra, Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trưởng đoàn kiểm tra, ông Phan Văn Toàn nhấn mạnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một điểm sáng, được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao tính nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương và có nhiều sáng tạo trong triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm phòng chống dịch. Bệnh viện là hình mẫu được nhiều đơn vị đến tham quan, học tập mô hình. Đồng thời, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cũng đề nghị Bệnh viện tiếp tục quán triệt, cập nhật thực hiện các công điện của Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch.Cũng trong buổi làm việc, đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra những điểm cần tiếp tục bổ sung để công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày càng hoàn thiện hơn.

Bệnh viện phải kích hoạt mức cảnh báo cao nhất

Trước đó, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 và thực hiện các tiêu chí an toàn chống dịch do Bộ Y tế ban hành tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Dolife… Trong đó, Đoàn kiểm tra hai bệnh viện chuyên khoa phổi và thận vì đối tượng tại hai bệnh viện trên đều là những người nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc Covid-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 27 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong. Đa số các trường hợp tử vong là các bệnh nhân suy thận mãn, viêm phổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo. Do đó, việc kiểm tra các tiêu chí an toàn giúp chỉ ra cho bệnh viện những lỗ hổng để cải tiến và phòng ngừa, ngăn chặn, cách ly và chuyển bệnh nhân kịp thời, hiệu quả.

Để tăng cường công tác phòng, chống lây nhiễm Covid-19, ngày 8/8/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3492/QĐ-BYT thành lập 5 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19. Các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid – 19 tại các địa phương được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công: Công tác đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát lây nhiễm Covid-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao; các tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Được biết, hiện tại Bệnh viện Phổi Hà Nội mỗi ngày khám cho trên 100 bệnh nhân. Bệnh viện cũng quản lý và điều trị bệnh nhân lao, bệnh nhân lao đa kháng,… luôn cần theo dõi và quản lý sát sao. Còn tại Bệnh viện Thận Hà Nội hiện quản lý 444 bệnh nhân chạy Thận nhân tạo với nhiều bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, 517 bệnh nhân thận mạn. Trong khi đó, máy thận nhân tạo đa số là cũ, hiện tại có 77 máy phải hoạt động liên tục từ 3-4 ca/ngày.

Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, các bệnh viện phải quán triệt quan điểm: Phân luồng, cách ly bệnh nhân một cách hiệu quả. Khu vực cách ly nên bố trí riêng biệt vòng ngoài, để phòng ngừa lây nhiễm toàn bệnh viện. Đặc biệt các bệnh viện phải thực hiện việc căng dây, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bệnh nhân không đi sai chỗ, lạc đường trong bệnh viện.Với những bệnh viện điều trị bệnh nhân có bệnh nền, có khoa cấp cứu, khoa hồi sức phải quan tâm đến vấn đề sàng lọc người bệnh, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Bởi, tại những nơi này, nếu chỉ để lọt một bệnh nhân là nguy cơ rất cao.

Trong các buổi kiểm tra, Trưởng đoàn công tác cũng góp ý cho các bệnh viện về nội dung sàng lọc, cách ly và các biện pháp phòng ngừa, phòng ngừa lây nhiễm tại một số khu vực đông người; quản lý an toàn người bệnh, người nhà người bệnh; quản lý an toàn nhân viên y tế và vấn đề vệ sinh y tế. “Các bệnh viện cần xác định dịch bệnh sẽ còn diễn biến kéo dài, do đó các bệnh viện thực hiện trường kỳ công tác sàng lọc, cách ly để hạn chế tối thiểu tổn thất kinh tế cho đơn vị”- Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Đồng thời,Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị các bệnh viện nâng cao năng lực xét nghiệm, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp có thể huy động các bệnh viện tham gia xét nghiệm SARS-COV2./.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/siet-chat-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-trong-benh-vien-112079.html