Siết chặt công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN

So với các địa phương khác trong cả nước, số cơ sở, doanh nghiệp đóng ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) của Quảng Ninh còn thấp. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở các KCN, CCN vẫn luôn được các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, trong đó có Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh).

Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường phát tài liệu tuyên truyền cho đại diện doanh nghiệp tại KCN Cái Lân. Ảnh: Hải Yến (CTV)

Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường phát tài liệu tuyên truyền cho đại diện doanh nghiệp tại KCN Cái Lân. Ảnh: Hải Yến (CTV)

Từ năm 2012, để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, TP Hạ Long đã tiến hành di dời hơn 100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào CCN Hà Khánh (phường Hà Khánh, TP Hạ Long). Mặc dù Ban Quản lý CCN Hà Khánh đã đầu tư, lắp đặt trạm xử lý nước thải tập trung với quy mô 1.500m3/ngày đêm, tuy nhiên trong suốt nhiều năm liền, các nhà đầu tư thứ cấp vẫn chây ì trong việc thực hiện đấu nối vào hệ thống và vô tư xả thải ra môi trường.

Nguyên nhân chính được các nhà đầu tư thứ cấp đưa ra là doanh nghiệp không có đủ kinh phí để xây dựng đường ống đấu nối, ít có hoạt động sản xuất. Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát môi trường đã liên tục tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra và đưa ra kiến nghị, đề xuất Ban Quản lý CCN và các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc đấu nối, thu gom triệt để nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ quá trình hoạt động đưa về trạm xử lý nước thải tập trung của CCN. Sau kiến nghị, những doanh nghiệp cố tình không thực hiện, Phòng Cảnh sát môi trường đều lập biên bản và xử phạt. Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp thứ cấp đều đã tổ chức đấu nối nước thải vào trạm xử lý nước thải tập trung của CCN.

Hiện toàn tỉnh có 70 doanh nghiệp hoạt động trong 5 KCN, trong đó KCN Cái Lân đã chiếm quá nửa với 41 doanh nghiệp. Do đó, hàng năm, Phòng Cảnh sát môi trường đều tiến hành công tác điều tra cơ bản một cách thường xuyên, liên tục và tập trung điều tra ở những doanh nghiệp lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, những dự án phát sinh nhiều nước thải, chất thải. Đồng thời bố trí trinh sát tại KCN Cái Lân để thu thập, theo dõi và nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất để phát hiện kịp thời các vi phạm để có biện pháp xử lý. Trong 9 tháng năm 2019, qua các cuộc điều tra và kiểm tra, đơn vị đã tiến hành lập biên bản, xử phạt 4 doanh nghiệp với số tiền gần 100 triệu đồng. Cụ thể là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Điện Quang, Trạm trộn bê tông của Công ty CP Xây dựng Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV và Đầu tư sản xuất Trường Thành, Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại quốc tế.

CCN Hà Khánh (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) hiện đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo môi trường.

Đặc biệt, để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, tháng 8 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường đã tổ chức buổi tọa đàm tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp thuộc KCN Cái Lân. Tại buổi tọa đàm đã có 68 ý kiến của doanh nghiệp vướng mắc trong việc chấp hành pháp luật về môi trường được giải đáp và hướng dẫn cụ thể. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức và nhận thức đúng trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tình hình, tìm ra các giải pháp, phương hướng giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thượng tá Đỗ Văn Thiết, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, chia sẻ: Mặc dù hiện nay các KCN và CCN đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động, tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn không lập báo cáo về tình hình phát sinh, quản lý chất thải nguy hại gửi cơ quan chức năng theo quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ, quản lý chất thải nguy hại không đảm bảo theo quy định; xả nước thải công nghiệp không qua xử lý ra môi trường... Thực tế cho thấy, để đẩy lùi được thực trạng này, ngoài công tác kiểm tra, xử phạt, thì công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng giải pháp này để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN được siết chặt.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201910/toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-siet-chat-cong-tac-bao-ve-moi-truong-tai-cac-kcn-ccn-2456869/