Siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Tết Trung thu đang tới gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng cao cả về số lượng và chủng loại…Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.…Để̉ làm tốt công tác bảỏ đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra và tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ra quân đồng bộ

Đơn cử vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã làm việc, trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Đống Đa. Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã phát hiện những vi phạm cần chấn chỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố kiểm tra hộ kinh doanh bánh Trung thu Bà Dần.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố kiểm tra hộ kinh doanh bánh Trung thu Bà Dần.

Theo Phó trưởng Phòng kinh tế quận Đống Đa Nguyễn Thành Hưng, hiện nay trên địa bàn quận có tổng số 4.902 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có 12 cơ sở sản xuất bánh trung thu. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời tới các phòng, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân 21 phường để triển khai công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm theo sự chỉ đạo của Thành phố.

Đặc biệt, thời gian qua, 2 đoàn kiểm tra liên ngành của quận và 21 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tuyến phường đã tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh trung thu…

Đồng thời, quận Đống Đa đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm sâu rộng cho người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức. Quận đã có những thông báo kịp thời các cơ sở, địa chỉ tin cậy cũng như các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm để người dân nắm được, từ đó có những lựa chọn đúng đắn cho sức khỏe.

Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người tiêu dùng đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ sở đã đạt được các tiêu chí an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn quận không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Tuy nhiên, việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thực phẩm xử lý các cơ sở vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, đặc thù Đống Đa là quận đông dân, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm manh mún, nhỏ lẻ, phân tán và thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch công tác an toàn thực phẩm trong năm.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hộ kinh doanh bánh trung thu Bà Dần (số 126, ngõ 554, đường Trường Chinh, Khương Thượng). Tại buổi làm việc cơ sở kinh doanh này đã cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, giấy khám sức khỏe của những người trực tiếp sản xuất đã hết hạn. Ngoài ra, cơ sở tuy có trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng nhưng không bảo đảm, sử dụng bếp than cùng trong khu chế biến thực phẩm…

Qua đó, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ lưu ý cơ sở một số điều kiện bảo quản, nguyên liệu đưa vào chế biến phải được đặt trong thùng có tem, nhãn, mác. Trong điều kiện diện tích chật hẹp, các nguyên liệu, thực phẩm đang sơ chế phải được đặt trên giá kệ, tránh để dưới nền nhà. Ngoài ra, cơ sở cần phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ các nguyên liệu nhập về; bảo đảm đầy đủ nhãn mác bao bì sản phẩm theo quy định. Riêng vấn đề chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe cho công nhân lao động, Đoàn kiểm tra đề nghị và giao cho quận Đống Đa xử lý, xử phạt hành chính cơ sở theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho hay, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm Trung ương, Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2020. Trong đó, Hà Nội tập trung vào việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng cũng như điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo, trong đó tập trung vào mặt hàng bánh trung thu.

Nhằm làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng, nhất là trong dịp Tết Trung thu, ngày 14/9, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4076/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020. Theo đó, Thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 từ ngày 15/9 đến 7/10. Các đoàn tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu bánh trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, cũng như nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu...

Theo ông Trần Văn Chung, qua kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại quận Đống Đa, Đoàn kiểm tra đánh giá, quận đã vào cuộc, ban hành kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức triển khai đến 21 phường, thông tin rộng rãi. Bước đầu, quận đã rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Qua kiểm tra thực tế hộ kinh doanh, cơ sở có đầy đủ giấy tờ, tuy nhiên về cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế. Đoàn sẽ có kết luận và xử lý theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, ngoài vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, năm nay 4 đoàn kiểm tra của Thành phố còn tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, như: Bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc… Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh việc tăng cường thanh, kiểm tra chất lượng bánh trung thu của các ngành chức năng, để Tết Trung thu mang lại niềm vui trọn vẹn và ý nghĩa, người tiêu dùng cũng cần có ý thức tự bảo vệ mình. Hãy là người tiêu dùng thông thái, biết cách chọn mua và sử dụng bánh trung thu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân nên mua bánh ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế; xem kỹ nhãn mác để biết ngày sản xuất, hạn sử dụng; kiên quyết không mua, không sử dụng bánh trung thu không có nhãn mác… để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình./.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/siet-chat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-trung-thu-113122.html