Siemens chắp cánh cho những ước mơ công nghệ

Tại Trường kỹ thuật Zein El Abedeen ở thành phố Cairo (Ai Cập), cậu thiếu niên tên Ali đang tìm hiểu những mô hình, thiết bị điện với mong ước trong tương lai không xa cậu sẽ trở thành một kỹ sư rành về những công nghệ trong ngành năng lượng.

Các kỹ sư đang thảo luận công việc tại nhà máy điện chu trình hỗn hợp Beni Suef thuộc siêu dự án điện ở Ai Cập. Ảnh: Siemens

Các thầy cô của Ali cho biết, giống như những học sinh khác sinh ra trong các gia đình không có điều kiện về kinh tế tại trường kỹ thuật cấp 2 ở vùng Sayeda Zeinab Cairo nói trên, Ali có sáu tuần để làm quen với những nguyên tắc hoạt động của các thiết bị và máy móc đơn giản sử dụng trong ngành điện do Tập đoàn Siemens và các doanh nghiệp khác tài trợ. Sau thời gian này, các em sẽ phải dự một kỳ thi tuyển và nếu vượt qua sẽ được chọn tham gia vào một chương trình đào tạo ba năm với mức học phí rất thấp. Trong khoảng thời gian đó, các em sẽ học lý thuyết và thực hành trong các lĩnh vực như cơ điện tử, tự động hóa… Sau khi tốt nghiệp, các em có thể tiếp tục theo học về cơ điện tử tại Viện Công nghệ ở thành phố Cairo trong vòng hai năm và thêm một năm nữa tại một trung tâm đào tạo chuyên sâu với sự hỗ trợ của Siemens để có thể hiểu được nhiều công nghệ hơn và tìm được những việc làm tốt hơn.

Hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao

Vào tháng 10-2017, các vị lãnh đạo của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức, Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập và Tập đoàn Siemens (Siemens AG) đã cùng tham dự sự kiện ra mắt Liên minh chiến lược nhằm giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường châu Phi này, đặc biệt là nhân lực cho các dự án điện. Theo đó, Siemens hợp tác với Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức phát triển các chương trình giáo dục và đào đạo nghề một cách thống nhất dựa trên việc nâng cấp Trường kỹ thuật Zein El Abedeen dành cho các khóa học trong vòng ba năm, nâng cấp Viện Kỹ thuật để tổ chức các khóa học chuyên về cơ điện tử, và thành lập một Học viện Kỹ thuật Ai Cập-Đức tại Trung tâm Dịch vụ Năng lượng Siemens ở Ain Sokhna để thực hiện các khóa học nâng cao về năng lượng, công nghiệp và các ngành có liên quan. Các trường, viện và học viện này hợp tác với nhau một cách chặt chẽ trong việc đào tạo nhân lực tay nghề cao cho Ai Cập. Dự kiến, trong vòng bốn năm, khoảng 5.500 kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật Ai Cập sẽ được trang bị những kỹ năng chuyên ngành, kinh nghiệm làm việc tại nhà máy.

Bên cạnh đó, Siemens cũng tham gia vào việc đào tạo 600 kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật Ai Cập để tham gia vào các công việc vận hành và bảo trì ba nhà máy điện chu trình hỗn hợp có sự tham gia xây dựng, cung cấp công nghệ của Siemens. Ông Ahmed El Saadany viết trên trang LinkIn của mình rằng vào năm 2015 khi ông được chỉ định vào vị trí Giám đốc đào tạo của Siemens Ai Cập để tìm đủ người cho một siêu dự án gồm ba nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy bằng khí có tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỉ euro. Được xây dựng ở các vị trí chiến lược, ba nhà máy điện này cần tổng cộng ít nhất khoảng 600 người bản xứ (mỗi nhà máy cần 200 người) để tham gia vào các hoạt động vận hành và bảo trì. Con số này là rất nhỏ so với hàng triệu người đang trong độ tuổi lao động và so với khoảng 50% trong tổng số dân gần 100 triệu người của Ai Cập có độ tuổi dưới 29. Những điều kiện tuyển chọn áp dụng cho các ứng viên là họ chỉ cần có kiến thức về kỹ thuật, bằng cấp căn bản và khả năng tiếng Anh cơ bản, nhưng đến thời hạn tháng 4-2016 Siemens Ai Cập vẫn chưa tìm đủ 50 người đầu tiên mặc dù đã phỏng vấn nhiều ngàn ứng viên. Trong suốt gần hai năm, công ty đã phải liên tục đăng tuyển các vị trí với mức lương hấp dẫn kèm với một gói đào tạo về chuyên môn và những kỹ năng cần thiết cho công viêc như làm việc nhóm… tại Ai Cập và Đức nhưng vẫn không tìm được đủ người như mong muốn. Do vậy, công ty phải điều chỉnh kế hoạch, trong đó có thay đổi tiêu chuẩn đầu vào, và việc tuyển người đã mang lại kết quả tích cực. Đến nay, mục tiêu tìm và đào tạo 600 người được lựa chọn từ khoảng 60.000 ứng viên đến từ các viện, trường đại học ở Ai Cập… cho ba nhà máy điện trên không còn là một nhiệm vụ bất khả thi.

Tuốc bin nhiệt sử dụng công nghệ mới nhất của Siemens được lắp đặt tại các nhà máy điện chu trình hỗ hợp thuộc siêu dự án điện ở Ai Cập. Ảnh: Siemens

Dùng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng

Từ năm 2010, các khu đô thị của Ai Cập bắt đầu phải đối mặt với số ca cúp điện tăng và kéo dài thường xuyên, nhất là vào các tháng mùa hè. Cuộc khủng hoảng nguồn cung điện này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, hoạt động của các nhà máy sản xuất và nền kinh tế của Ai Cập. Năm 2014, sản lượng điện chỉ đạt khoảng 70% tổng công suất 30 GW của các nhà máy điện đang hoạt động. Các chuyên gia tính toán trong năm 2015 các nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên đóng góp đến 68,5% tổng nguồn cung điện ở Ai Cập, trong khi tỷ lệ của các nhà máy chạy bằng dầu diesel chỉ là 25,9%, nhà máy thủy điện là 4,7% và các dự án điện gió và điện mặt trời là 0,9%. Điều đáng lo ngại là rất nhiều nhà máy này đã hoạt động từ trên 20-30 năm nên tiêu hao rất nhiều nhiên liệu. Trong khi đó, theo dự báo thì số người sử dụng điện mới ở Ai Cập vào năm 2030 sẽ tăng 40% dựa trên tỷ lệ tăng dân số hằng năm tại đất nước này là 2,8%.

Trước tình hình cấp bách đó, năm 2015 Bộ Điện năng và Năng lượng tái tạo Ai Cập đã đưa ra một chiến lược phát triển bền vững nhằm giải quyết những sự thách thức về năng lượng trong hai giai đoạn với mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế. Giai đoạn 1 là tăng khả năng sản xuất, truyền tải và phân phối điện, còn giai đoạn 2 tập trung vào việc xây dựng một chương trình nâng cấp và bảo trì những nhà máy điện hiện có đến năm 2030. Ai Cập cũng xác định việc tạo nguồn điện ổn định và đáp ứng nhu cầu sử dụng là một sự ưu tiên chiến lược. Trong bản kế hoạch Tầm nhìn 2030 (Vision 2030) được công bố vào tháng 3-2015, Chính phủ Ai Cập nêu rõ vào năm 2030 Ai Cập sẽ nằm trong danh sách 30 quốc gia có ưu thế cạnh tranh nhất và nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới. Để thực hiện Tầm nhìn này, Ai Cập xem việc đầu tư cho ngành năng lượng là một sự ưu tiên hàng đầu tại thời điểm đó.

Để tận dụng cơ hội tham gia vào các dự án điện ở Ai Cập, các chuyên gia của Siemens đã tham gia đánh giá hệ thống năng lượng và nhận diện những sự thách thức của nước này trong thời gian hai năm. Trong các cuộc thảo luận sau đó, các bên liên quan, trong đó có Bộ Điện năng và Năng lượng tái tạo, đã cùng thống nhất rằng Ai Cập cần tiếp tục dựa vào nguồn khí thiên nhiên như là nguồn năng lượng quan trọng nhất và giải quyết vấn nạn thiếu hụt điện bằng việc xây dựng các nhà máy điện chu trình hỗn hợp hiệu quả cao chạy bằng khí vì công nghệ này sẽ giúp sử dụng nhiên liệu hiệu quả nhất, giảm khí thải cũng như chi phí vận hành.

Năm 2015, Siemens tham gia vào kế hoạch phát triển nguồn điện nhanh thông qua việc tăng công suất cho các nhà máy điện đang hoạt động tại nhiều khu vực ở Ai Cập với mục tiêu ban đầu là đáp ứng kịp thời nhu cầu điện tăng cao. Thông qua sự hợp tác với Công ty Elsewedy Electric, Siemens đã xây dựng nhà máy điện Attaka với bốn tuốc bin loại E có tổng công suất 650 MW và cung cấp điện cho 620.000 hộ dân trong thời gian chỉ sáu tháng.

Ngoài ra, Siemens cũng thực hiện xong dự án nhà máy điện được trang bị tuốc bin chạy bằng khí đầu tiên tại Attaka trong vòng 159 ngày – một kỷ lục cho dự án với quy mô này. Điều này càng củng cố khả năng của Siemens thực hiện các dự án điện quan trọng một cách nhanh chóng.

Vào tháng 6-2015, khoảng ba tháng sau khi Siemens và Chính phủ Ai Cập đạt được thỏa thuận phát triển một nguồn cung điện bền vững, tập đoàn đã ký các hợp đồng có tổng giá trị 6 tỉ euro cho việc xây dựng ba nhà máy điện hiệu quả cao sử dụng nhiên liệu chủ yếu bằng khí thiên nhiên và dầu diesel là nhiên liệu dự phòng để giúp Ai Cập tăng công xuất sản xuất điện 45% và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của hơn 40 triệu người. Cùng với đối tác Elsewedy Electric và Orascom Construction, Siemens đã giúp Chính phủ Ai Cập nhanh chóng đạt được bản thỏa thuận về vốn vay nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Đức và cấp vốn của hơn 30 ngân hàng trên khắp thế giới. Siemens và những đối tác này cũng tham gia vào việc thiết kế, cung cấp thiết bị và vận hành ba nhà máy điện trên có tổng công suất 14,4 GW tọa lạc tại Beni Suef, New Capital và Burullus. Mỗi nhà máy có công suất thiết kế là 4,8 GW và được trang bị tám tuốc bin khí loại SGT5-8000H, bốn tuốc bin hơi loại SST-5000, 12 máy phát điện SGen5-2000H, 12 trạm biến thế, và một hệ thống điều khiển SPPA-T3000. Tuốc bin khí SGT5-8000H có hiệu suất hơn 61% và đây cũng là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận cho các nhà máy điện chu trình hỗn hợp. Ông Karim Amin, Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và khách hàng trong lĩnh vực điện và khí của Tập đoàn Siemens, cho biết việc sử dụng công nghệ tuốc bin khí loại H của Siemens giúp Ai Cập tiết kiệm trên 1 tỉ đô la chi phí nhiên liệu hằng năm nhờ sử dụng nhiên liệu hiệu quả.

Vào tháng 1-2017, sau 18 tháng kể từ khi hợp đồng xây dựng siêu dự án điện trên được ký kết, 4,8 GW đầu tiên của dự án đã hòa vào lưới điện quốc gia của Ai Cập. Bằng việc hoàn thành siêu dự án nêu trên trong vòng 27,5 tháng, Siemens đã lập một kỷ lục trong việc thực hiện các dự án điện lớn.

Các hợp đồng liên quan đến siêu dự án nói trên cũng bao gồm việc cung cấp dịch vụ bảo trì và các dịch vụ liên quan trong vòng chín năm, chuyển giao kiến thức vận hành nhà máy, các giải pháp an ninh và bảo vệ tấn công mạng, đào tạo 600 kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật trong thời gian sáu tháng ở Ai Cập và Đức, trong đó có phần đào tạo về tuốc bin SGT5-8000H.

Cơ hội cho những ước mơ công nghệ bay cao

Ông Saadany nói rằng sau khi được đào tạo theo những phương pháp của Siemens, 600 người Ai Cập có đủ khả năng tham gia vào việc vận hành ba nhà máy điện nói trên cùng với các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Khi đã làm việc và tích lũy kinh tại ba nhà máy điện chu trình hỗn hợp trên thì họ đủ khả năng làm việc tại những dự án điện tại châu Phi và những khu vực khác trên thế giới. Bởi vì đây là ba nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy bằng khí sử dụng công nghệ mới nhất và lớn nhất không chỉ tại thị trường Ai Cập mà còn của thế giới.

Chỉ riêng tại thị trường Ai Cập, nhiều cơ hội đang mở ra cho các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật có khả năng, tay nghề cao tìm được những công việc tốt và học được nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện năng. Ông Saadany cho biết Ai Cập đã đầu tư mạnh trong lĩnh vực năng lượng bằng cách phát triển các nhà máy điện lớn sử dụng công nghệ hiện đại. Những dự án này cần một số lớn các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật cho các công việc vận hành và bảo trì, nhưng cũng giống như ở Việt Nam, các trường đại học kỹ thuật, công nghệ ở quốc gia này chưa đào tạo được nhiều sinh viên đủ kiến thức và kỹ năng làm việc ở các dự án điện nên sự thiếu hụt nguồn cung lao động trong lĩnh vực này là rất lớn ở hiện tại và nhiều năm sắp tới. Đây sẽ là cơ hội cho Ali và các sinh viên khác của Trường kỹ thuật Zein El Abedeen khi các em có niềm đam mê học hỏi những công nghệ trong lĩnh vực điện năng và với sự hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có Liên minh chiến lược có sự tham gia của Siemens.

Bình Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281519/siemens-chap-canh-cho-nhung-uoc-mo-cong-nghe-.html