'Shrinkflation' là 'con quái vật kinh tế' cần phải được theo dõi

Shrinkflation là một thuật ngữ ghép bởi hai từ 'shrink' (thu nhỏ) và 'inflation' (lạm phát) bắt đầu thông dụng vào những năm 1960 và 1970.

“Em ơi, bọn họ thu nhỏ thanh chocolate lại rồi!” - Nguồn: Lara Williams/Getty Images

“Em ơi, bọn họ thu nhỏ thanh chocolate lại rồi!” - Nguồn: Lara Williams/Getty Images

Làm thế nào để chúng ta biết được cơn lạm phát đang trở lại? Phần lớn các nhà kinh tế tập trung vào những yếu tố như giá hàng hóa, lương, và những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Nhưng lịch sử sẽ minh chứng rằng họ nên để ý vào một yếu tố liên quan thường thoát khỏi sự đề phòng: một thứ gọi là “shrinkflation”.

Shrinkflation là một thuật ngữ ghép bởi hai từ “shrink” (thu nhỏ) và “inflation” (lạm phát). Hành vi này bắt đầu thông dụng vào những năm 1960 và 1970, khi các nhà sản xuất đối mặt với lạm phát leo thang bằng cách thay đổi nội dung mặt hàng thay vì nâng giá.

Ban đầu, hành vi này thu hút được ít sự chú ý, bởi lẽ rất khó để phân biệt được sự thay đổi giá trên đơn vị hàng hóa nếu như bao bì thay đổi hoàn toàn.

Trên thực tế, người đầu tiên cảnh báo về hành vi này là nghệ sĩ châm biếm Art Buchwald. Trong một mục mang tên “Lạm phát đóng hộp” xuất bản vào năm 1969, ông đả kích hành vi che giấu sự tăng giá.

Một cách khôi hài, ông khen ngợi ngành công nghiệp Mỹ đã “tìm ra cách để thu nhỏ mặt hàng và phóng đại bao bì”.

Sự chỉ trích này không xa với thực tế. Khi áp lực lạm phát dần tăng vào những năm 1970, các nhà sản xuất đã không ngần ngại thử nghiệm một số phương pháp để đùn đẩy sự tăng giá lên người tiêu dùng.

Một phương pháp trong đó là “thu nhỏ”: cùng bao bì, cùng kích cỡ, nhưng lượng sản phẩm ít hơn.

Ví dụ, vào cuối mùa hè 1974, Woolworth giới thiệu một bộ bút chì với giá 99 cent - cùng giá với mặt hàng năm trước đó.

Nhưng những phóng viên tinh mắt của New York Times đã phát hiện ra bộ bút chỉ này chỉ gồm 24 cái - ít hơn 6 cái so với bộ bút chì năm trước đó. Chiến thuật này được thực hiện với cả mặt hàng giấy thủ công với 24 tờ một bộ thay vì 30 tờ.

Các cửa hàng tạp hóa tạo nên nhiều cơ hội cho chiến thuật thu nhỏ này. Vào đầu thập kỷ, một mặt hàng thực phẩm thiết yếu hậu chiến tranh là Rice-a-Roni được bán trong hộp 8 ounce.

Con số này sớm rớt xuống 6.9 ounce, nhưng bao bì đóng gói vẫn được giữ nguyên. Ngày nay, sản phẩm này vẫn được bán với trọng lượng đó, có vẻ như shrinkflation cũng có giới hạn của nó.

Những chiêu trò này ngày càng phổ biến. Từ những can cá ngừ đến lọ sốt spaghetti, tất cả đều dần chứa ngày càng ít sản phẩm. Những nhóm vận động như Consumers’ Union (nay là Consumer Reports) đã lên tiếng chỉ trích, nhưng hành vi này vẫn được áp dụng rộng rãi.

Những nhà sản xuất kẹo cao su có lẽ đã có những chiến thuật shrinkflation trắng trợn nhất. Khi giá đường tăng cao vào những năm 1970, họ không thể tăng giá một cách dễ dàng, vì các máy bán kẹo cao su đều được thiết kế để nhận được một loại xu được định trước.

Họ cũng không thể thu nhỏ viên kẹo được, vì máy bán không thể hoạt động ổn định nếu họ làm vậy. Thay vào đó, họ khoét rỗng phần trong của viên kẹo. Thay vì đường, những đứa trẻ được nhai không khí.

Brim Dark Decaf Coffee đề ra một biến thể của chiêu trò này bằng cách sử dụng một quy trình “thổi phồng” độc quyền để làm nở những hạt cà phê của họ, cho phép họ đổ đầy một lọ 13 ounce bằng một lượng cà phê vốn chỉ nặng 11.5 ounce. Công ty này cam đoan quy trình hóa học này làm cho cà phê của họ đậm đà hơn với lượng hạt nhỏ hơn.

Đôi khi bớt xén sản phẩm đi kèm với sự hấp dẫn về mặt cảm tính. Cỡ sản phẩm nhỏ hơn không chỉ là nhỏ hơn, nó còn cung cấp ít calo hơn. Bao bì nhỏ hơn được quảng cáo là thân thiện với môi trường.

Ví dụ một thanh chocolate nặng 10 ounce có giá bán lẻ 75 cent giờ được bán với gói 15 ounce nhưng lại có giá 1.25 dollar. Những chiêu trò này gắn liền với shrinkflation. Chiến thuật này tận dụng sự khó chịu của người tiêu dùng tới hành vi thu nhỏ mặt hàng, mặc dù chúng có cùng một kết quả.

Một số bang đã đẩy lùi xu hướng này bằng cách yêu cầu các cửa hàng tạp hóa liệt kê giá thành mỗi đơn vị sản phẩm trên các bao bì. Một số cửa hàng chủ động thực hiện quy định này, vì họ tin rằng đây là cách họ có thể thuyết phục khách hàng rằng họ quan tâm tới lợi ích của khách hàng.

Nhiều hệ thống liệt kê giá thành trên đơn vị này vẫn sống sót qua 2021. Nhưng shrinkflation cũng vậy.

Trong năm vừa qua, càng ngày càng có nhiều những báo cáo về những chiêu trò ăn bớt của các nhà sản xuất, từ lớp giấy vệ sinh tới khẩu phần đồ ăn cho mèo. Những báo cáo này đặc biệt nhiều trong những tuần vừa qua.

Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta cần phải thận trọng: đây có thể là tín hiệu một cơn lạm phát, lâu nay vẫn âm ỉ, sắp sửa bùng nổ./.

Nguyễn Quang Minh (Theo Bloomberg)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/shrinkflation-la-con-quai-vat-kinh-te-can-phai-duoc-theo-doi/204188.html