Show thực tế Hàn Quốc dùng chuyện riêng của ngôi sao để hút view

Để cạnh tranh tỷ suất người xem, các nhà sản xuất đang cố gắng khai thác mọi khía cạnh đời sống của người nổi tiếng khiến họ và gia đình mất đi sự riêng tư.

Gần 10 năm kể từ khi chương trình thực tế "I Live Alone" của đài MBC ra mắt, số lượng các chương trình về đời tư của người nổi tiếng ngày càng phổ biến.

Bên cạnh nội dung về nhịp sống thường nhật, các nhà sản xuất còn khai thác đời sống hôn nhân, gia đình, thậm chí mời cả những người bình thường lên sóng.

Chủ đề của các chương trình cũng trở nên đa dạng hơn, từ đời sống tình dục của các cặp vợ chồng như "Doomed Marriage", cha mẹ ở tuổi vị thành niên "Teenage Parents", hoặc các cặp vợ chồng ly hôn trong "Love Again".

 Chương trình "I Live Alone" của đài MBC điển hình xu hướng truyền hình thực tế về đời tư của nghệ sĩ.: MBC.

Chương trình "I Live Alone" của đài MBC điển hình xu hướng truyền hình thực tế về đời tư của nghệ sĩ.: MBC.

Khi số lượng chương trình có nội dung tương tự gia tăng, các nhà sản xuất sẽ bắt đầu cạnh tranh để đào sâu vào đời tư của các ngôi sao và người thân của họ, dấy lên lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư và một số tác động khác.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern-sik nói với Korea Times rằng việc phát sóng hình ảnh của thân nhân người nổi tiếng, nhất là trẻ vị thành niên, dễ dẫn đến những vấn đề về quyền riêng tư vì chúng chưa đủ tuổi bày tỏ sự đồng ý.

"Nhiều người nổi tiếng xuất hiện trên truyền hình thực tế với con cái mình. Nhưng, trẻ em không phải tài sản, chúng cần được bảo vệ quyền riêng tư. Vì thế, liệu con trẻ có cần thiết phải sống dưới sự theo dõi của camera không", ông nói.

Ngoài ra, Kim cũng cho rằng các chương trình khai thác cuộc sống riêng của nghệ sĩ có thể khiến khán giả hiểu lầm. Thực tế, những sản phẩm, đồ đạc mà người nổi tiếng sở hữu trong nhà có thể đến từ các nhà quảng cáo, hoặc được sắp xếp riêng cho việc quay chụp.

"Điều đó đánh mất tính thực tế, vốn là tính chất của những chương trình này. Nghệ sĩ hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm từ nhãn hàng quảng cáo hay ghi hình ở địa điểm không phải nhà mình", ông kể.

Khi các show truyền hình đi sâu hơn vào những góc ngách đời tư của ngôi sao, họ dễ trở thành tiêu điểm của công chúng.

Seo Ha-yan, vợ của ca sĩ Im Chang-jung, phải lên tiếng xin lỗi vì một tấm hình chụp từ trước khi xuất hiện trên chương trình cùng chồng. Ảnh: Chosun.

Seo Ha-yan, vợ của ca sĩ Im Chang-jung, nhận được nhiều sự chú ý kể từ khi xuất hiện trên chương trình về các cặp vợ chồng nổi tiếng "Same Bed, Different Dreams 2" hồi tháng 3.

Ngay sau đó, Seo lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Dân mạng đã đào bới tiểu sử, các tài khoản mạng xã hội của cô và chỉ trích một tấm hình cô đăng lên Internet từ trước đó.

Choi, một khán giả 29 tuổi, nói rằng cô dần thấy quan ngại với nội dung của những chương trình thực tế này.

"Tôi tránh xem các show về đời sống riêng tư. Tôi cảm thấy không thoải mái, thậm chí tự hỏi rằng mình có cần biết hết mọi vấn đề cá nhân của họ hay không. Dù chủ đề, dàn diễn viên khác nhau, song những chương trình này đều có cùng định dạng như vậy", Choi nói.

Dù thế, Kim nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp truyền hình Hàn Quốc vẫn sẽ sản xuất những chương trình như vậy để cạnh tranh với nhau.

"Hiện tại, chương trình âm nhạc và truyền hình thực tế là hai định dạng phổ biến ở trên truyền hình. Khán giả vẫn có nhu cầu xem 'đời sống thực' của cả nghệ sĩ và người bình thường trên TV, những show này lại tiết kiệm ngân sách sản xuất nên các nhà đài vẫn sẽ thực hiện chúng".

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/show-thuc-te-han-quoc-dung-chuyen-rieng-cua-ngoi-sao-de-hut-view-post1319376.html