SHB: Còn nỗi lo nợ xấu và lợi nhuận chưa tương xứng

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã được tổ chức, trong đó vấn đề về nợ xấu cao và lợi nhuận chưa như kỳ vọng nhận được nhiều sự chú ý.

Giao dịch tại ngân hàng SHB.

Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 286.010 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cuối năm 2016, đạt 105,93% kế hoạch. Vốn điều lệ đạt 11.197 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 266.680 tỷ đồng, tăng 19,14% so với năm 2016. Dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 198.290 tỷ đồng, tăng 22,12% so với cuối năm 2016.

Nhờ đó, tổng lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 1.925 tỷ đồng, tăng trưởng 66,5%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây, vượt 10% kế hoạch 2017 ĐHĐCĐ đề ra, trong đó, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng vượt bậc.

Tại Đại hội, trả lời câu hỏi về vấn đề vì sao quy mô của SHB thuộc top 5 mà lợi nhuận không bằng các ngân hàng khác trong nhóm, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB chia sẻ, do SHB nhận sáp nhập Ngân hàng Habubank và Công ty Tài chính VVF nên việc cấu trúc lại các khoản nợ và trích lập dự phòng phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý trong các báo cáo tài chính của ngân hàng này là con số nợ có xu hướng tăng so với năm 2016.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2017 đã kiểm toán của SHB, tính đến 31/12/2017, nhiều khoản nợ tăng mạnh so với cuối năm 2016.

Cụ thể, nợ cần chú ý của SHB ở mức gần 3.203 tỷ đồng, tăng so với khoảng 2.206 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2016. Tương tự, nợ dưới tiêu chuẩn ở mức 644,7 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với con số 247,3 tỷ đồng cuối năm 2016. Nợ có khả năng mất vốn (nợ xấu) ở mức hơn 2.761 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với con số 1.757 tỷ đồng cuối năm 2016.

Nguyên nhân của con số nợ tăng cao được Ban lãnh đạo SHB cho rằng, do quy mô hoạt động của ngân hàng tăng lên, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tăng nên nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng hơn nếu so sánh bằng số tuyệt đối. Ngoài ra, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khách hàng của SHB dù cơ dư nợ tại SHB đủ tiêu chuẩn nhưng phát sinh nợ dưới chuẩn tại tổ chức tín dụng khác nên SHB cũng phải chuyển nhóm nợ đối với khách hàng đó.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo SHB cho biết đã bán khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), lãnh đạo SHB cho biết đây đều là những khoản nợ có tài sản đảm bảo nên có khả năng thu hồi. Vì thế, năm 2018, SHB dự kiến bán nợ cho VAMC khoảng 300 tỷ đồng, hiện đang hoàn thiện hồ sơ.

Một thông tin khác được lãnh đạo SHB đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông là dư nợ của Vinashin sau khi sau khi SHB nhận sáp nhập với Habubank là 3.998 tỷ đồng, hiện SHB đã trích lập dự phòng được 1.089 tỷ đồng, còn lại 2.909 tỷ đồng đang trong quá trình xử lý.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2018, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10,31%, đạt gần 315,5 nghìn tỷ đồng; vốn điều lệ dự kiến tăng 18,25% so với năm 2017. Huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân dự kiến đạt 250,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,82% so với năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.050 tỷ đồng, tăng 6,5%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 10% vốn điều lệ.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/shb-con-noi-lo-no-xau-va-loi-nhuan-chua-tuong-xung.aspx