Shark Bình: Để né tránh thất bại, đầu tiên startup cần tìm đúng 'long mạch'!

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp…

Chuyển đổi số là cơ hội quan trọng đối với doanh nghiệp

Năm 2019 chứng kiến hàng loạt tên tuổi lớn trong làng Internet Việt Nam khẳng định rõ quyết tâm chuyển mình, trở thành các nhà cung cấp dịch vụ số và tiên phong kiến tạo xã hội số trước bối cảnh thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu sự đầu tư về công nghệ (vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm…); đặc biệt là những doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp.

Bình luận về vấn đề này, GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) và Viện John von Neuman (JVN), Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định, chuyển đổi số có thể là cơ hội cuối cùng đối với doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là cơ hội cuối của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Chuyển đổi số là cơ hội cuối của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Theo GS Bảo, lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là: Cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên... Điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Cũng đồng tình với GS Hồ Tú Bảo, ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết, sáng tạo, chuyển đổi công nghệ số là điều bắt buộc trong thời đại hiện nay. Mỗi doanh nghiệp, lĩnh vực cần đặt ra những lộ trình, các bước chuyển đổi số phù hợp trong dòng chảy chuyển đổi số…

Startup cần làm gì để không bị “chết yểu”

Shark Bình phân tích, mỗi năm có đến 50 triệu startup ra đời, trong đó hơn 95% thất bại trong 3 năm đầu tiên. Việc thất bại của startup sẽ dẫn đến rất nhiều cái mất: Mất tiền, mất nhà, mất xe, mất thời gian và nhất là mất niềm tin.

Theo shark Bình, lý do khiến startup thất bại là vì 49% startup làm những thứ mà thị trường không cần; 29% do thiếu vốn; 23% do sử dụng sai người... Tiếp theo, việc thất bại của startup do cô đơn (vì không có người chia sẻ, chỉ bảo, khích lệ hay phản biện) và thiếu thốn (tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự…

Sau khi phân tích những sai lầm của startup, shark Bình cho rằng để né tránh thất bại, điều đầu tiên, startup cần tìm đúng "long mạch". Bên cạnh đó, dù startup đã tìm đúng đường nhưng cũng sẽ đứng trước nguy cơ thất bại vì không có hệ sinh thái. Hệ sinh thái sẽ giúp các startup tiết kiệm chi phí với cơ sở hạ tầng sẵn có, vào thị trường nhanh hơn thông qua mạng lưới khách hàng đủ lớn để có thể bán chéo...

Tiếp theo, shark Bình cho rằng, trong thời gian tới, thời của startup gọi vốn đốt tiền mua KPI, tăng trưởng ảo, thiếu bền vững đã qua và đến thời của những startup biết kiềm tiền.

Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Chủ tịch Tập đoàn NẽtTech.

Ngoài ra, yếu tố cạnh tranh của thị trường cũng quyết định sự thành bại của startup. Shark Bình cho biết, để quyết định có nên startup hay không, người sáng lập nên tự đặt cho mình những câu hỏi sau: Startup của mình có phải là tiên phong trong thị trường hay không, nếu không tiên phong thì có khác biệt hay không, nếu vẫn không có nhiều tiền thì phải tìm hiểu xem thị trường có đủ lớn để nhiều người tham gia hay không? Nếu câu trả lời đều là không thì startup đó nên dừng lại, vì kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt", người đứng đầu Nexttech nhấn mạnh.

Shark Bình khẳng định, các startup thường rất yếu về quản trị tài chính, có những startup hết tiền rồi mới biết mình đã hết tiền từ lâu, đã tiêu cả vào tiền của các nhà cung cấp, đối tác của mình. "Tôi cũng chúc các startup lâu chết vì những startup lâu chết là những startup thành công", shark Bình kết luận trong bài chia sẻ của mình.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/shark-binh-de-ne-tranh-that-bai-dau-tien-startup-can-tim-dung-long-mach-d166928.html