SGK Toán 1 phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh

Bộ sách Toán 1 tiếp cận người học theo 'cách học sinh học toán', phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân. Mỗi bài học ưu tiên để học sinh tiếp cận, tìm tòi, khám phá, không áp đặt khiên cưỡng. Các hoạt động trong bài học tập trung vào việc hiểu được tại sao làm như vậy, không chỉ dừng lại ở việc tính toán.

 SGK Toán 1 thuộc bộ sách Bộ sách "Chân trời sáng tạo" của NXB Giáo dục Việt Nam

SGK Toán 1 thuộc bộ sách Bộ sách "Chân trời sáng tạo" của NXB Giáo dục Việt Nam

Phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh

SGK Toán 1 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Mỗi đơn vị kiến thức đều được hình thành qua việc sử dụng các phẩm chất của học sinh (theo yêu cầu của Chương trình tổng thể) và năng lực đặc thù môn toán, gồm: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình hóa toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng công cụ -phương tiện toán học.

Bộ sách tiếp cận người học theo “cách học sinh học toán”, phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân. Mỗi bài học ưu tiên để học sinh tiếp cận, tìm tòi, khám phá, không áp đặt khiên cưỡng. Các hoạt động trong bài học tập trung vào việc hiểu được tại sao làm như vậy, không chỉ dừng lại ở việc tính toán. SGK cung cấp các phương pháp giải khác nhau, học sinh có thể lựa chọn giải pháp phù hợp với sở thích, năng lực để thực hiện nhiệm vụ học tập.

Ví dụ, để thực hiện các phép cộng, phép trừ trong phạm vi 10, học sinh có thể dựa vào cấu tạo số trong phạm vi 10 thể hiện qua các bảng tách – gộp số, các bảng cộng – trừ trong phạm vi 10, đếm thêm – đếm bớt, tính chất giao hoán của phép cộng, mối quan hệ giữa phép cộng và phép trừ. Việc thuộc các bảng cộng - trừ mang tính khuyến khích, không ép buộc học sinh. Tuy nhiên qua quá trình học tập, học sinh sẽ dần thuộc các bảng này một cách tự giác.

Các phẩm chất chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được hình thành qua quá trình “làm toán”, đặc biệt qua việc giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, qua các hoạt động Đất nước em hình thành cho học sinh phẩm chất yêu nước, nhân ái xuyên suốt quá trình học tập. Chẳng hạn, hình ảnh Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) (tập 1, trang 85) – nơi thờ 18 vị vua Hùng gợi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng, thể hiện sự tôn kính và tình yêu đất nước của nhân dân.

Ngoài ra, sách tăng cường kết nối giữa PH và HS thông qua phần Hoạt động ở nhà, giúp cha mẹ tham khảo một số hoạt động để tạo cơ hội giúp học sinh áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Dạy học tích hợp

Các bài học trong sách Toán 1 được tích hợp xoay quanh hai mạch kiến thức: Số và Phép tính, Hình học và đo lường.

Mặt khác, thông qua các nội dung được học, kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác. Chẳng hạn, với quan điểm đồng hành cùng Tiếng Việt trong quá trình dạy học, Toán 1 chủ động dạy một số từ và cấu trúc câu thiết yếu cho môn Toán theo cách thức dạy tiếng mẹ đẻ, không đi sâu vào âm, vần.

Đối với môn Tự nhiên và xã hội, sách Toán 1 đề cập nhiều tới trái cây Việt Nam, các con vật quen thuộc, cảnh quan chốn thị thành, miền quê, vùng biển đều xuất hiện, bản đồ Việt Nam cũng được học sinh làm quen một cách tự nhiên ngay từ lớp 1.

Bên cạnh đó, từ các nội dung bài học, hoạt động về nhà hình thành cho học sinh nề nếp học tập, sinh hoạt, chuẩn mực đạo đức qua mỗi tiết học.

Nhiều hình ảnh trong SGK cổ vũ HS chăm sóc sức khỏe, vệ sinh thân thể, vận động và rèn luyện sức khỏe, cổ vũ HS ca hát, biểu diễn âm nhạc,… Các hoạt động thực hành và trải nghiệm có thể được tổ chức trong lớp học, sân trường, câu lạc bộ,… Các hoạt động này vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết các vấn đề dưới hình thức một tình huống giả định hoặc thực tế cuộc sống. Qua đó, học sinh được ôn tập các kiến thức cốt lõi, phát triển các phẩm chất cũng như năng lực đặc thù bộ môn.

Cấu trúc sách

Cấu trúc sách có các thành phần cơ bản: Hướng dẫn sử dụng-Giới thiệu chung-Mục lục, nội dung chính: Chương-Bài. SGK Toán 1 được cấu trúc theo 5 chương, 3 chương đầu (HK1) được viết theo chủ đề, 2 chương còn lại (HK2) được viết dưới dạng tích hợp hai mạch kiến thức Số và phép tính, Hình học và đo lường.

Đối với học sinh lớp 1, việc chuyển sang môi trường học tập mới đòi hỏi phải cân nhắc kiến thức được lựa chọn dạy trong giai đoạn này. Do đó, Chương 1: Một số hình quen thuộc được đưa vào đầu tiên nhằm kế thừa chương trình giáo dục Mầm non, chủ yếu ôn tập, hệ thống hóa kiến thức; các hoạt động thực hành với nội dung hình học trực quan gần gũi với các em học sinh trong giai đoạn đầu tiếp xúc với môi trường học tập mới.

Kết thúc HK1, các em đã được hình thành những kiến thức nhất định xoay quanh các vấn đề số, từ đó thuận lợi cho việc tích hợp các mạch kiến thức Số và phép tính, hình học và đo lường ở HK2. Các chương 2 và 3 giúp HS hình thành kiến thức, kĩ năng cốt lõi một cách vững vàng, làm nền tảng vững chắc để tiếp thu các đơn vị kiến thức trong các chương sau dễ dàng hơn.

Cấu trúc bài học thường có các phần:

• Cùng học tìm tòi, khám phá, dựa vào kiến thức cũ để hình thành kiến thức mới

• Thực hành các kiến thức, kĩ năng ở phần cùng học

• Luyện tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng vừa học.

Ngoài ra còn có các phần: Vui học, Thử thách, Khám phá, Đất nước em, Hoạt động ở nhà.

Nội dung ở các phần này thường mang tính vận dụng nâng cao.

SGK Toán 1 được minh họa với màu sắc tươi mới, hình ảnh dễ thương, gần gũi với học sinh: hình ảnh lớp học, các bức tranh sinh hoạt hằng ngày, con vật, thiên nhiên,…; Các tình huống vui nhộn được chuyển tải khéo léo bằng hình ảnh, dễ dàng lôi cuốn học sinh vào hoạt động.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/sgk-toan-1-phat-trien-pham-chat-va-nang-luc-cua-hoc-sinh-4064271-q.html