SGK Tiếng Việt lớp 1 nhiều 'sạn': Ai chịu tránh nhiệm?

Sau một thời gian đưa vào giảng dạy, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh Diều) đã bị đánh giá là chương trình nặng, nhiều 'sạn'. Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, Hội đồng thẩm định (HĐTĐ), Bộ GD-ĐT hay nhóm tác giả?

Mới đây, trao đổi trên diễn đàn VOV, GS Mai Ngọc Chừ - Phó chủ tịch HĐTĐ SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết, không riêng gì SGK tiếng Việt mà cả những cuốn sách khác, HĐTĐ đã làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng. Tất cả những vấn đề được cho là “sạn”, HĐTĐ đã từng đề cập đến, không phải hội đồng “không biết gì” như một số người nói.

“Đến thời điểm này chúng tôi vẫn khẳng định, tất cả những bộ SGK Tiếng Việt lớp 1, chúng tôi đã thẩm định không có gì sai. Tất cả những gì sai, đã được chỉ ra và giải quyết”, GS Mai Ngọc Chừ nói.

Theo GS Mai Ngọc Chừ, SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều, nhóm tác giả có cho biết đã thực nghiệm mấy tháng, ở trường nào, làm ra sao và đã được HĐTĐ kiểm tra cặn kẽ. Tuy nhiên, tất cả những thực nghiệm này đều do nhóm thực nghiệm chứ không phải Bộ GD-ĐT.

 PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Không nên có quan điểm “con sâu làm rầu nồi canh”

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, các bộ sách lớp 1 mới, trong đó có bộ sách Cánh Diều thì Bộ GD-ĐT đã thành lập HĐTĐ tiếp thu, nghiên cứu (đây là hội đồng xem xét tất cả những gì có phù hợp với chương trình và học sinh hay không?). Cuối cùng, Bộ mới quyết định có ban hành SGK hay không? Và khi ban hành xong, còn phải đi tập huấn cho giáo viên, các phòng GD-ĐT và các Sở GD-ĐT.

Theo thầy Nhĩ được biết, lựa chọn lớn nhất là 32%, tức là đã thực hiện các khâu, tất cả mọi thứ chứ không phải tự nhiên mà ra được. Nếu bây giờ, người nào đó phát hiện có sai sót chỗ này, chỗ kia thì nên xem cách nào được, cách nào chưa được thì không dùng nhưng nếu đã mua dùng rồi thì HĐTĐ phải có trách nhiệm.

“Bây giờ, vấn đề quan trọng là cách xử lý như thế nào? Hiện nay, nhiều người dùng đánh giá là tốt, có người cho rằng có “hạt sạn” thì ta “nhấc hạt sạn” đó ra chứ không nên có quan điểm “con sâu làm rầu nồi canh” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Thầy Nhĩ nêu quan điểm, đối với giáo dục, cái gì chưa được thì có thể khắc phục bằng cách là có văn bản và sửa đổi những chỗ sai đó. Ví dụ, a chưa được, phải đưa vào chữ b thì khi dạy giáo viên sẽ sử dụng chữ b.

Ai chịu trách nhiệm?

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: Hội đồng của Chính phủ từng hỏi về vấn đề này và thầy đã nói phải có 5 cuốn sách lớp 1 của nhóm tác giả, biên bản thẩm định của HĐTĐ vì sẽ có những chỗ HĐTĐ yêu cầu tác giả sửa nhưng tác giả không sửa, chắc chắn HĐTĐ phải họp lại để làn rõ trách nhiệm.

Nếu HĐTĐ sai thì HĐTĐ phải nhận, còn chỗ nào mà tác giả sai thì tác giả phải nhận. HĐTĐ phải làm thì sẽ có hội đồng độc lập nữa, lúc này sẽ mời một số nhà chuyên môn, nhà khoa học khách quan độc lập bên ngoài.

Sách Tiếng Việt lớp 1 đang bị nhiều phụ huynh và giáo viên chỉ trích.

Ai cũng phải dựa trên một chuẩn chung, vì nếu ai cũng dựa trên chuẩn của mình thì sẽ “nát” cuốn sách. Trên cơ sở chuẩn ấy, có sai sót thì phải thừa nhận, quan điểm ở đây là phải nhặt “sạn”, rút kinh nghiệm, góp ý với Bộ GD-ĐT. Cuốn sách lưu hành đó phải đưa lên mạng trước để lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên, phụ huynh… có gì sai sót thì sửa, rút kinh nghiệm.

Ví dụ, HĐTĐ sót thì phải chịu trách nhiệm, còn HĐTĐ góp ý nhưng tác giả không tiếp thu thì tác giả viết sách phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ hết cho Bộ GD-ĐT được.

TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm, trong quy trình để làm SGK có phần dạy thực nghiệm, số lượng có bao nhiêu được quy định hết, cụ thể và từ thực nghiệm dạy có tốt không thì tác giả phải chịu trách nhiệm hết.

Nếu sót, đây không phải là lỗi của HĐTĐ vì HĐTĐ đã nói tác giả rồi nhưng không sửa thì đó là lỗi của tác giả. Phải khẳng định, thực chất một bộ SGK lần đầu không thể không có lỗi nhưng lỗi nhiều hay ít, có quan trọng hay không. Và bây giờ, muốn làm rõ trách nhiệm thì trước hết các tác giả phải chịu hết trách nhiệm, nhưng lỗi nặng hay nhẹ khác nhau.

“Nếu lỗi mà HĐTĐ chỉ ra rồi nhưng tác giả không sửa thì đó là lỗi của tác giả, còn lỗi đó mà HĐTĐ bỏ sót thì là lỗi của HĐTĐ, nhưng tác giả cũng phải chịu chứ không phải tác giả không liên quan gì? Hay mức độ sai sót mà cả hai bên đều không tìm ra thì trách nhiệm của tác giả sẽ nhẹ hơn và trách nhiệm của HĐTĐ sẽ nặng hơn” - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

HĐTĐ SGK Tiếng Việt lớp 1 đã đề cập những “hạt sạn” với nhóm tác giả. Tuy nhiên, nhóm tác giả giữ bảo lưu quan điểm. Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, tác giả đã tiếp thu những ý kiến có sửa đổi; Hai là là nếu tác giả không sửa đổi thì quyền ở HĐTĐ mà HĐTĐ cho qua, không sửa thì đó là trách nhiệm của HĐTĐ.

“HĐTĐ phải chịu trách nhiệm, nếu cần phải làm rõ ra có phải HĐTĐ trao đổi với tác giả mà tác giả không sửa không? Theo tôi được biết, tác giả trao đổi gì là HĐTĐ về sửa hết, tác giả có ý kiến sửa, rồi báo cáo lại HĐTĐ và HĐTĐ xem xét. Còn bây giờ, nói rằng tác giả không chịu sửa nhưng HĐTĐ vẫn báo cáo với Bộ GD-ĐT cho phép ban hành thì HĐTĐ càng phải chịu trách nhiệm” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Huân Thu

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/sgk-tieng-viet-lop-1-nhieu-san-ai-chiu-tranh-nhiem-96053.html