SGK sai tên vua Lý Công Uẩn: 'Không ai viết thế...'

Thay 'y' thành 'i' khi viết tên vua Lý Công Uẩn trong SGK Ngữ văn lớp 8 là sai chính tả, trách nhiệm thuộc về phía NXB Giáo dục Việt Nam.

Sáng ngày 22/5/2020, trao đổi với Đất Việt về việc SGK Ngữ văn lớp 8 của NXB Giáo dục Việt Nam viết sai chính tả tên vua Lý Công Uẩn thành "Lí Công Uẩn", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên phần tiếng Việt trong cuốn sách cho biết: "Lỗi này thuộc về phía NXB Giáo dục Việt Nam. Tôi chỉ chịu trách nhiệm về mặt nội dung. Một nhà ngôn ngữ, có chuyên môn không bao giờ viết như thế".

Ông Thuyết cho biết, những thành viên chủ biên, biên soạn cuốn SGK Ngữ văn lớp 8 chủ yếu chỉ chịu trách nhiệm về mặt nội dung. Còn về việc trình bày hình thức, dấu chấm, dấu phẩy... trong cuốn sách như thế nào là do phía NXB Giáo dục Việt Nam quyết.

Phần thể hiện tên vua Lý Công Uẩn thành "Lí Công Uẩn" trong SGK Ngữ văn lớp 8 của NXB Giáo dục Việt Nam.

Phần thể hiện tên vua Lý Công Uẩn thành "Lí Công Uẩn" trong SGK Ngữ văn lớp 8 của NXB Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, nhiều tờ báo phản ánh, bài "Chiếu dời đô" trong SGK Ngữ văn lớp 8 tập 2 do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành có nhiều lỗi chính tả.

Theo đó, tác giả của "Chiếu dời đô" là Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ). Tuy nhiên, tất cả các chữ chỉ tên vị vua này trong SGK Ngữ văn lớp 8 là đều viết chữ “Lí”: "Lí Công Uẩn", "Lí Thái Tổ".

Quy định viết chính tả, chữ hoa, tên riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 25/5/2018. Về cách viết với chữ "y" và "i", quy định nêu rất rõ tại khoản 2, Điều 9: Cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối.

Thứ nhất, trường hợp âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i, ví dụ: hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ…

Thứ hai, trường hợp âm tiết chứa âm I là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó, ví dụ: bảy Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc…

Như vậy, cách viết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ về việc này, Th.S Phạm Thái Lê - giáo viên môn Ngữ văn Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng nhiều lỗi trong sách giáo khoa đã được chỉ rõ nhưng thường ở các tái bản sau cũng rất ít khi được Nhà xuất bản tiếp thu và chỉnh sửa. Trong quá trình dạy, giáo viên có thể sẽ phải giải thích rõ hơn cho học sinh hiểu.

Hai nguyên âm "i" - "y" có nhiều tình huống sử dụng theo hai mức độ: Sự phân biệt theo quy tắc chính tả bắt buộc và việc sử dụng theo quy ước, theo thói quen. Tuy nhiên, nếu là tên riêng thì phải giữ nguyên theo quy định.

Còn PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT bày tỏ sự ngạc nhiên.

"Vì sao trong sách giáo khoa lại xảy ra điều đó? Năm 2018, Bộ đã ban hành quy định về chính tả trong chương trình sách giáo khoa phổ thông mới rồi" - ông Thành nói.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sgk-sai-ten-vua-ly-cong-uan-khong-ai-viet-the-3403493/