SGK mới giá cao gấp 4 lần: Nhiều điều khó hiểu

Bộ SGK lớp 1 mới có giá cao gấp 4 lần bộ SGK cũ là hệ quả tất yếu của việc giao quyền biên soạn vào tay các NXB.

Ngày 30/3/2020, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tỏ ra không bất ngờ trước việc, 3 nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. HCM đưa ra giá bộ SGK mới lớp 1 có giá cao gấp 4 lần so với bộ SGK cũ mà năm học 2019 - 2020 đang áp dụng.

Ông Nhĩ thừa nhận, bộ SGK mới mà 3 nhà xuất bản trên biên soạn về mặt nội dung không có nhiều điểm mới so với bộ SGK cũ, thậm chí còn dựa trên những nội dung mà bộ SGK cũ đang sử dụng. Tuy nhiên về mặt hình thức có nhiều điểm khác.

"Nếu như bộ SGK cũ chỉ có 6 cuốn sách, tương ứng với 6 môn học thì bộ SGK mới có 9 môn học bắt buộc. Khổ sách của bộ mới cũng được in theo tiêu chuẩn quốc tế, to hơn, trình bày đẹp hơn và chất lượng giấy in, mực in cũng tốt hơn nên việc giá cao hơn cũng là điều dễ hiểu" - ông Nhĩ nói.

Giá SGK đang bị thả nổi, dẫn đến nguy cơ lợi ích nhóm từ mặt hàng này?

Giá SGK đang bị thả nổi, dẫn đến nguy cơ lợi ích nhóm từ mặt hàng này?

Tuy nhiên, ông Nhĩ cho rằng, giá của bộ SGK mới cần được xem xét lại. Bởi lý do mà các nhà xuất bản đưa ra chưa thuyết phục được người tiêu dùng.

"Các nhà xuất bản cho rằng, chi phí thuê chuyên gia, in ấn, truyền thông cho sản phẩm... tăng cao lên phải tăng giá bộ sách nhưng đây đều là những việc mà bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nào đó cần phải làm để tiêu thụ được sản phẩm của mình. Chính vì thế, đối với các doanh nghiệp thông thường, họ luôn phải tính toán sao cho hợp lý.

Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa SGK để cho các nhà xuất bản tự biên soạn, xuất bản và cạnh tranh sản phẩm với nhau nên đơn vị nào đưa ra bộ sách đảm bảo cả về mặt nội dung, hình thức, giá cả thì sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Mặc dù vậy không thể thả nổi giá sách, muốn tăng thế nào thì tăng mà cơ quan chức năng cần áp dụng một khung giá nhất định cho SGK mới" - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Theo ông Nhĩ, SGK là mặt hàng bắt buộc, gây ảnh hưởng nhiều tới người dân. Nhà nước cũng đã có quy định cụ thể về cách tính giá với những mặt hàng bắt buộc. Theo đó, giá thành sản phẩm không thể cao hơn 5 - 7% chi phí phát hành sản phẩm. Bộ SGK mới cũng cần phải được áp dụng theo cách tính này để đảm bảo vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo cho các nhà xuất bản có lãi để tái đầu tư, sản xuất sản phẩm mới.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, SGK là mặt hàng đặc biệt nên không thể áp dụng phương pháp tính giá mà các nhà xuất bản đưa ra.

"Dù mức giá SGK chỉ khoảng 200.000 đồng/bộ nhưng lại ảnh hưởng tới tất cả mọi người nên cần phải được xem xét lại" - ông Dong bày tỏ.

Theo vị Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới, SGK là mặt hàng được Nhà nước trợ giá nên dù được trình bày dưới bất kỳ hình thức nào thì giá của nó cũng rất rẻ, gần như đến mức người dân được phát miễn phí để khuyến khích phát triển giáo dục. Vậy mà, Việt Nam đang làm ngược lại.

"Chủ trương xã hội hóa SGK khuyến khích được nguồn lực xã hội cùng với đất nước phát triển giáo dục nhưng lại thả nổi khung giá sách. Điều này dễ tạo ra nguy cơ lợi ích nhóm, một bộ phận dựa vào đó để đẩy giá sách lên cao đem về khoản lợi nhuận rất lớn, trong khi về mặt nội dung sách thì không có nhiều thay đổi.

Như thế có nghĩa rằng, người dân sử dụng một thứ hàng hóa không có nhiều thay đổi về chất lượng nhưng lại phải bỏ ra mức phí cao hơn, không phù hợp với quy luật thị trường" - ông Dong bày tỏ.

Để giải quyết tình trạng này, về mặt lâu dài, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, biên soạn SGK rồi lựa chọn ra bộ sách có nội dung, hình thức phù hợp nhất để mua lại rồi tự in ấn, phát hành. Như thế, vừa đảm bảo được nội dung, vừa đảm bảo được giá cả có lợi cho người dân.

"Vấn đề trước mắt với bộ SGK mới đang thực hiện, cần phải có cơ chế tính lại giá, không thể chạy theo những lý do mà các nhà xuất bản đưa ra để đồng ý ngay được.

Cần phải căn cứ cụ thể mức giá đó được các nhà xuất bản tính toán như thế nào, mức giá họ đưa ra bằng bao nhiêu % chi phí họ biên soạn, xuất bản ra ngoài thị trường.

Thậm chí, cần phải tiến hành đấu giá để phù hợp với chủ trương, tránh việc các nhà xuất bản lợi dụng chính sách xã hội hóa SGK mà tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đi ngược với chủ trương khuyến học của Việt Nam" - GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sgk-moi-gia-cao-gap-4-lan-nhieu-dieu-kho-hieu-3399531/