Serbia giải thích lý do không tham gia trừng phạt Nga

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết nước này đang phải chịu áp lực rất lớn từ phương Tây khi từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại một sự kiện ở Belgrade, Serbia, ngày 4/4. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại một sự kiện ở Belgrade, Serbia, ngày 4/4. Ảnh: Getty Images

“Chúng tôi phải trả giá đắt vì không ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nhưng nếu chúng tôi áp đặt chúng, Serbia sẽ phải trả giá đắt vì nguyên tắc của chúng tôi là không ủng hộ các biện pháp trừng phạt bất kỳ ai”, đài RT (Nga) dẫn lời Tổng thống Vucic nói với kênh truyền hình Pink TV hôm 17/4.

Tổng thống Serbia cũng thừa nhận việc cấm khai thác dầu khí từ Nga sẽ làm tê liệt nền kinh tế quốc gia Balkan này. Ông khẳng định Serbia phải đưa ra các quyết định có lợi cho công dân của mình.

Tổng thống Vucic tin rằng nếu Belgrade ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Moskva, ông sẽ được phương Tây tôn vinh và ca ngợi như một anh hùng. Ông nói: “Nếu chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Tôi sẽ được mọi người tôn vinh, họ sẽ nói tôi là nhà dân chủ vĩ đại nhất trên thế giới. Song từ bài học lịch sử của Serbia, tôi nhận thấy các biện pháp trừng phạt đó là mất đạo đức và không hiệu quả”.

Trước đó hồi cuối tháng 3, đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã gợi ý Serbia - quốc gia đang xin gia nhập EU - nên tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thông tin này do ông Peter Stano, phát ngôn viên Cơ quan Hành động Đối ngoại của châu Âu, đưa ra tại một cuộc họp báo khi được hỏi EU cần bao lâu để chờ Serbia áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

“Chúng tôi kỳ vọng Serbia với tư cách là ứng cử viên xin gia nhập EU sẽ tuân theo các quyết định và quan điểm của châu Âu về chính sách đối ngoại và phòng vệ”, vị quan chức này nói.

Trong khi đó, Tổng thống Vucic khẳng định Serbia sẽ tiếp tục theo đuổi tư cách thành viên EU và duy trì tình hữu nghị với Nga. Serbia có ý định duy trì sự trung lập về quân sự, từ chối gia nhập NATO và các khối khác. Tuy nhiên, lập trường này làm dấy lên sự phản đối ở phương Tây. Serbia đã nhiều lần nhận được tín hiệu rằng chỉ có thể hội nhập châu Âu với hai điều kiện - nếu công nhận nền độc lập của Kosovo và chấm dứt quan hệ hữu nghị với Nga.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ơỦkraine ngày 24/2, nhiều nước phương Tây và các đồng minh đã thực hiện chiến dịch trừng phạt toàn diện đối với Moskva, bao gồm việc đóng cửa không phận cùng nhiều biện pháp hạn chế nhằm vào các quan chức, thực thể, phương tiện truyền thông và thể chế tài chính của Nga.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/serbia-giai-thich-ly-do-khong-tham-gia-trung-phat-nga-20220418160339194.htm