Sếp VVN AI: Bán được sản phẩm cho Viettel là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn nhất cho VVN AI

Các kỹ sư Công ty VVN AI đang phát triển một ứng dụng với kỳ vọng tạo ra sự thay đổi cho quá trình xử lý thủ tục giấy tờ. Giải pháp này đã đạt giải Nhì trong cuộc thi VietChallenge tại Mỹ sau khi chiến thắng tại Viettel Advanced Solutions Track 2019.

VVN AI cung cấp giải pháp eKYC (Electronic know your custumer) - định danh khách hàng điện tử. Nếu việc định danh truyền thống buộc khách hàng phải điền thông tin theo phom trước khi được nhân viên rà soát, đối chiếu, eKYC sẽ cho phép các công đoạn được tự động hóa.

Đây là khái niệm xuất hiện trên thế giới khoảng 4 – 5 năm về trước, theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng giám đốc VVN AI. Khi làm tư vấn cho một doanh nghiệp Đức, ông Tùng đã nhìn thấy cơ hội từ eKYC cho thị trường Việt Nam.

Thời điểm xây dựng ứng dụng, nhóm kỹ sư của VVN AI đặt mục tiêu hệ thống có thể hỗ trợ được hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, từ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đến hành chính công. Hỗ trợ cho hệ thống hành chính công là mục tiêu cao nhất được VVN AI hướng đến, ông Tùng cho biết.

Người sáng lập của VVN AI tin rằng với mỗi giấy tờ, thủ tục, khách hàng chỉ nên mất công ký nhận vào phía cuối. Những động tác điền tay, đối chiếu, kiểm soát… đều lãng phí thời gian, chi phí.

Thuật toán cho eKYC của VVN AI không phải là điều khó khăn, ông Tùng nhớ lại.

Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực AI, ông tỏ ra tự tin với cách xây dựng giải pháp. Thách thức đến từ việc Việt Nam chưa có một hệ thống dữ liệu gốc tốt. Đây chính là vấn đề then chốt của bài toán.

Ví dụ như với việc định danh trên chứng minh thư, ông Tùng cho biết phông chữ trên mỗi tấm thẻ rất lộn xộn. “Tôi đếm được khoảng 3 – 4 phông chữ khác nhau”, ông nói. Chứng minh thư cũng dễ bị làm giả, ông Tùng lưu ý thêm. Trong khi đó, tại Đức, mỗi tấm thẻ ID có hơn 30 lớp vân bảo mật, khiến cho việc xây dựng hệ thống eKYC thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, sau 6 tháng làm việc, đội ngũ kỹ sư cũng tìm cách xử lý được những vấn đề trên. Chướng ngại vật tiếp theo đến từ sự tin tưởng của thị trường. Là công ty non trẻ, giải pháp còn khá lạ ở Việt Nam, lúc ban đầu VVN AI không nhận được nhiều sự tin tưởng khi đi chào mời khách hàng.

“Có thời điểm chúng tôi phải bán sản phẩm qua một công ty khác rồi nhờ họ ký hợp đồng”, ông Tùng kể.

Bán được sản phẩm cho Viettel là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội lớn nhất cho VVN AI. Tập đoàn công nghệ này đã tìm đối tác cho giải pháp định danh khách hàng trong 2–3 năm nay. Nhưng trong quãng thời gian này, chưa có đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu.

Viettel có tập khách hàng lớn. Mỗi tháng, trung bình tập đoàn này phải quét khoảng 3,3 triệu hồ sơ, tương ứng 10 triệu lần quét. Do vậy, Viettel đòi hỏi rất cao về tốc độ xử lý cũng như tính chính xác. “Mỗi phần trăm chính xác giảm, thiệt hại cho doanh nghiệp không nhỏ”, ông Tùng nhìn nhận.

VVN AI “qua cửa” nhờ tốc độ xử lý khoảng 1,2s/lần quét trong khi các đơn vị cung cấp trước đó cho Viettel là 20 – 30s/lần. Độ chính xác của VVN AI cũng tạo khoảng cách khi đạt 98% trong khi mức trung bình trên thị trường chỉ từ 90 – 92%.

Theo ông Tùng, với mỗi tấm chứng minh thư nhập liệu thủ công, Viettel phải mất 2.000 đồng thì nay chỉ còn 400 – 500 đồng. Tính chung, Viettel có thể tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng nhờ eKYC. Không chỉ giảm về chi phí, hệ thống còn loại bỏ các sai sót do con người khi nhập máy.

Nói về cơ hội với Viettel, ông Tùng nhấn mạnh: “Cung cấp được sản phẩm cho đối tác lớn, về sau chắc chắn chúng tôi sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Đấy là lợi thế của những đơn vị được làm với Viettel”.

Không chỉ dừng lại ở cơ hội chào bán sản phẩm cho Viettel, VVN AI còn được tập đoàn này mời tham gia Viettel Advanced Solutions – cuộc thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo toàn cầu. Viettel đã phối hợp với VietChallenge, tạo ra một sân chơi cho trong nước và quốc tế để tìm kiến các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh không chỉ tại một quốc gia.

Sau khi đạt giải nhất của Viettel Advanced Solutions, VVN AI đã được Viettel tài trợ để sang Mỹ tham dự vòng chung kết VietChallenge cùng 2 đội thắng cuộc khác.

Sau khi đạt giải nhất của Viettel Advanced Solutions, VVN AI đã được Viettel tài trợ để sang Mỹ tham dự vòng chung kết VietChallenge cùng 2 đội thắng cuộc khác.

Nhìn lại quãng thời gian qua, ông Tùng nhận định các tập đoàn lớn có vai trò quan trọng với hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này chỉ dừng lại ở việc rót tiền, sẽ không tạo ra tác động lan tỏa. Startup cần được đồng hành, chia sẻ kinh nghiệp, tư duy về thị trường.

“Doanh nghiệp lớn có nguồn lực, tầm nhìn để biết sản phẩm startup làm ra có áp dụng được không, nếu bán thì sẽ thu về được bao nhiêu? Đó là thứ tôi kỳ vọng các startup sẽ được hỗ trợ”, ông Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của VVN AI, ông Tùng cho rằng khi làm việc với các tập đoàn lớn, các startup sẽ có áp lực để cải tiến sản phẩm tốt hơn mỗi ngày. “Startup cần đứng trên vai người khổng lồ”, ông nhấn mạnh.

Nhật Xuân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/sep-vvn-ai-ban-duoc-san-pham-cho-viettel-la-thach-thuc-nhung-cung-la-co-hoi-lon-nhat-cho-vvn-ai/20200713100014995