Sếp VNG Lê Hồng Minh khuyên giới trẻ đừng làm điều bình thường

Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh là diễn giả Việt Nam duy nhất theo lời mời của WEF tham gia 'Diễn đàn mở về khởi nghiệp và sáng tạo: ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người?'.

“Đừng làm điều bình thường...”

Sáng 11/9/2018, trong khuôn khổ diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF on ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Hồng Minh đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ về bức tranh khởi nghiệp trong nước và rộng hơn là những tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với khu vực Đông Nam Á.

Đây là phiên diễn đàn mở do Thủ tướng giao bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp ban Tổ chức WEF triển khai, kéo dài 90 phút vào sáng 11/09/2018, được livestream trực tiếp trên trang web chính thức của diễn đàn Kinh tế thế giới.

Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ; bà Annie Koh, Giám đốc học viện Thương mại quốc tế, giáo sư tài chính (thực hành), đại học Quản lý Singapore; ông Lê Hồng Minh, đồng sáng lập, Chủ tịch & Giám đốc điều hành – công ty Cổ phần VNG, Việt Nam và ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia.

Phiên thảo luận do bà Amrita Cheema, biên tập viên cấp cao tại Duetsche Welle, Đức điều phối.

CEO VNG - ông Lê Hồng Minh

Với slogan “Đón nhận thử thách” gắn liền với quá trình phát triển của VNG, ông Lê Hồng Minh chia sẻ về cơ hội cho “tất cả mọi người tại ASEAN” trong kỷ nguyên 4.0, từ các tập đoàn lớn cho đến doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn các cá nhân.

Internet di động sẽ mang đến những thị trường rộng mở, những cơ hội lớn trong vòng 5 – 10 năm tới cho giới khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh như thương mại điện tử, giao thông, thanh toán điện tử…

Ông cũng sẽ chia sẻ về tầm quan trọng của thị trường Đông Nam Á, về xu hướng kinh doanh đa nền tảng (platform) đang thành hình tại khu vực này. Trong bối cảnh đó, các chính phủ ASEAN sẽ tạo ra động lực thúc đẩy “4.0 cho mọi người” thông qua việc tập trung xây dựng hạ tầng (kết nối 5G, thanh toán), chia sẻ dữ liệu và chuyển đổi mô hình Chính phủ điện tử mới, trên cơ sở Chính phủ kết nối.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, CEO Lê Hồng Minh cho rằng chúng ta đang được thụ hưởng nền tảng công nghệ mà 20 năm trước đó là điều kỳ diệu. "Vì thế đừng làm điều bình thường, hãy nghĩ về những thứ thực sự làm bạn hào hứng và đam mê", ông nói.

Bộ trưởng “hotboy” nói về vai trò của người trẻ

Cách đây không lâu, ông Syed Saddiq Abdul Rahman đã gây sốt trên toàn thế giới khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia ở tuổi 25, trở thành Bộ trưởng trẻ tuổi nhất thế giới.

Do đó câu hỏi dành cho nhân vật này là người trẻ ở ASEAN nên làm gì để có thể thích nghi với CMCN 4.0.

Ông Syed Saddiq Abdul Rahman - Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia

"Đối với CMCN có nhiều hào hứng nhưng cũng có những lo lắng làm sao để thích nghi bởi người lao động có thể dễ dàng thất nghiệp nếu không có sự chuyển đổi thích hợp.

Dù vậy tôi tin vào tương lai tươi sáng nếu chúng ta được chuẩn bị tốt. AI và robot có thể cướp việc làm truyền thống nhưng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra như kỹ sư công nghệ, lập trình viên...

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều startup thành công được sáng lập bởi những người rất trẻ. Người trẻ được trang bị các kỹ năng và hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ sẽ trở thành chủ nhân của tương lai", ông nói.

Google đào tạo cho doanh nghiệp bước vào công nghệ 4.0

Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ

Chia sẻ về vai trò của Google trong 1 khu vực như ASEAN, ông Rajan Anandan chia sẻ: "4.0 là nói về kinh tế số. Nền kinh tế số của ASEAN dù đang bùng nổ nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ở ASEAN tỷ trọng nền kinh tế số trong tổng GDP là 7%, trong khi ở Trung Quốc là 16%, 5 nước đứng đầu EU là 20% và Mỹ là 23%".

Theo ông, cần đảm bảo ASEAN có một nền kinh tế số mang tính hội nhập cao để dòng chảy dữ liệu và hàng hóa được thông suốt. Và điều quan trọng nhất là đảm bảo con người làm chủ máy móc. Để ASEAN phát huy hết được các tiềm năng của kinh tế số, điều quan trọng là không chỉ đảm bảo các cá nhân cụ thể có các kỹ năng cần thiết mà còn phải trang bị kỹ năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận chiếm 15% GDP và tạo ra 80% việc làm trong kinh tế khu vực.

Ông Anandan vui mừng thông báo Google cam kết đến năm 2020 sẽ đào tạo kỹ năng cho 3 triệu chủ sở hữu và nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo họ có thể chuẩn bị tốt nhất để bước vào 4.0.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sep-vng-le-hong-minh-khuyen-gioi-tre-dung-lam-dieu-binh-thuong-a400611.html