Sếp Việt nói về tận dụng công nghệ

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF ASEAN 2018, khi ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Công ty VNG – kể chuyện hình thành ý tưởng xây dựng sự nghiệp của mình bắt nguồn từ 'những thứ kỳ diệu', thì bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Chính – Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành - chia sẻ áp lực khi vận hành nhà máy thông minh.

Ông Lê Hồng Minh cho rằng, các bạn trẻ cần tập trung trang bị kỹ năng thay vì kiến thức đơn thuần.

“Chúng tôi chỉ chơi game thôi”

Câu chuyện của ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Công ty VNG – tạo nên hứng thú đặc biệt cho người nghe, khi chia sẻ về việc thành lập Công ty VNG – giờ là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam: “Tất cả những gì tôi muốn nói đó là chúng tôi chỉ chơi game thôi, và từ đó chúng tôi đã thành lập một công ty”.

Nhưng câu chuyện khởi nghiệp của ông Minh không phải là một “game” (cuộc chơi), nhất là khi ông tâm sự về “những thứ kỳ diệu” mà máy tính và Internet mang lại cho cuộc sống. “Chúng tôi là một thế hệ cực kỳ may mắn khi chúng tôi lớn lên vào những năm 90 cũng chính là thời điểm máy tính được đưa vào Việt Nam, và sau đó là Internet. Nhìn vào máy tính và Internet, chúng tôi thấy rằng đây là những công nghệ thật tuyệt vời, có thể chơi game, kết nối với những người ở tận bên kia nửa vòng Trái Đất. Đối với các bạn trẻ ngày nay, điều đó nghe có vẻ quá đỗi bình thường, nhưng vào 20 năm trước, với thế hệ của chúng tôi, thì nó làm thay đổi mọi thứ” – ông Minh chia sẻ.

Ông Minh và những đồng sự của mình bắt đầu hình thành ý tưởng xây dựng một công ty, một sự nghiệp bắt nguồn từ “những thứ kỳ diệu” - mà sau này trở thành một khái niệm bình thường – giản đơn như thế. “Ngày nay, có rất nhiều thứ kỳ diệu xung quanh chúng ta. Thí dụ như khi đặt một câu hỏi cho máy tính, máy tính sẽ đưa ra một câu trả lời hết sức tự nhiên, giống như Google đã trình diễn với công nghệ AI của mình. Hoặc là khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone vào năm 2007, thì chúng tôi, với tư cách là những người làm trong lĩnh vực công nghệ, đã hiểu được rằng đó là một thời khắc kỳ diệu” – ông Minh tâm sự - “Tôi muốn nói với các bạn sinh viên rằng, hãy tưởng tượng về 20 năm sắp tới từ thời điểm hiện nay, cũng giống như khi chúng ta nhìn lại 20 năm về trước. Các bạn đừng làm những điều bình thường, mà hãy làm những điều khác biệt. Bởi vì tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc vào những điều mà hiện nay các bạn cho rằng "không thể tưởng tượng nổi", những điều kỳ diệu, khác biệt”.

Dẫn ví dụ về ngành Digital Marketing – một ngành rất “hot” 5 năm trước, giờ đây đang dần bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, ông Minh chỉ ra rằng, công nghệ đang thay đổi thế giới một cách chóng mặt. “Chính vì thế, các bạn trẻ hãy tập trung trang bị cho mình kỹ năng thay vì kiến thức đơn thuần, vì có thể khi ra trường, những gì các bạn được học đã trở nên cũ” – ông Minh nói – “Một khi bạn làm tốt, startup của bạn sở hữu những giá trị thực sự, các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với bạn”.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải làm mới nhận thức về công nghệ

Là một trong những tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành nghề, Tân Á Đại Thành lại đang đối mặt với những “bài toán” khác khi đứng trước CMCN 4.0 với những đột phá chưa từng có về công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ cũng như làm thay đổi căn bản cách thức mà tất cả chúng ta sống, làm việc và sản xuất.

“Chúng tôi đã chủ động đối mặt, sớm đón đầu và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại như quy trình sản xuất tự động hóa, điện toán đám mây vào việc sản xuất” - ông Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành - cho biết. Đơn vị này đưa dây chuyền công nghệ 4.0 vào hoạt động, và sắp đưa vào sử dụng một dạng nhà máy thông minh (smart factory) khi sử dụng nhiều thiết bị tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, đạt độ chính xác tuyệt đối và sai sót kỹ thuật trên sản phẩm cực kỳ thấp.

Ông Nguyễn Duy Chính cho rằng, trong CMCN 4.0, phải có sự kết nối rất chặt chẽ giữa con người với nhau và giữa con người với máy móc

Nhưng CMCN 4.0 mang tới nhiều cơ hội thì cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Theo ông, CMCN 4.0 đòi hỏi một quan điểm hoàn toàn mới về sản xuất, đặc biệt là quan điểm của người lãnh đạo doanh nghiệp về việc phải làm mới hoàn toàn nhận thức của bản thân về công nghệ. CMCN 4.0 còn đi kèm đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng của nguồn nhân lực trong nhà máy thông minh. Khi nhà máy thông minh đi vào hoạt động, người lao động cũng đối mặt với áp lực dịch chuyển từ vai trò “công nhân lao động thủ công” sang “người theo dõi và đưa ra quyết định” thông qua những dữ liệu do máy móc mang lại, giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, không làm gián đoạn dây chuyền sản xuất. "Vì thế, phải có sự kết nối rất chặt chẽ giữa cán bộ, công nhân viên với nhau, giữa con người và máy móc, giữa cá nhân và tập thể” – ông Chính cho biết.

Bách Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/sep-viet-noi-ve-tan-dung-cong-nghe-411954.html