Sếp Thai League 'hiến kế' giúp V-League nâng cao giá trị hình ảnh

Phó Tổng giám đốc điều hành Thai League Benjamin Tan cho rằng, V-League chưa biết cách nâng cao giá trị hình ảnh.

Ông Benjamin Tan là một trong những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn tại Thai League

Ông Benjamin Tan là một trong những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn tại Thai League

Trong buổi trò chuyện với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc điều hành Thai League Benjamin Tan cho rằng, V-League đang có nhiều điều kiện tốt để phát triển, trong đó bao gồm các ngôi sao hàng đầu. Tuy nhiên, giải đấu số 1 Việt Nam chưa biết cách nâng cao giá trị hình ảnh.

Bí quyết giúp Thai League hái ra tiền

Giá trị bản quyền truyền hình Giải Bóng đá vô địch quốc gia Thái Lan (Thai League) được định giá tới 50 triệu USD/mùa, cao hơn nhiều so với Giải Bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League), nơi Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chỉ nhận vài tỷ đồng/năm. Theo ông, điều gì tạo nên sức hút cho Thai League?

Ngoài yếu tố chuyên môn, Thai League được định vị là một sản phẩm mang tính thương mại, giải trí. Chúng tôi cũng định vị mình là trung tâm của ASEAN. Chúng tôi luôn muốn các cầu thủ tốt nhất chơi ở Thai League. Để làm được điều đó, chúng tôi cần phải thu hút người giỏi nhất và điều đó có nghĩa là chúng tôi đồng thời phải là người giỏi nhất.

Vì vậy, chúng tôi đã cùng nhau tạo ra sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và tạo ra sản phẩm hấp dẫn (các trận đấu bóng đá chất lượng - PV) để thu hút truyền hình và các nhà tài trợ. Theo quy luật thị trường, khi đã có sản phẩm hấp dẫn thì bạn muốn bán giá cao cũng chẳng phải là điều gì quá khó.

Thai League chuyển sang chuyên nghiệp sau Việt Nam nhưng dường như lại đang đi trước ở thời điểm hiện tại. Ông có thể chỉ ra nguyên nhân giúp Thai League có được bước tiến mạnh mẽ?

Chúng tôi có một lãnh đạo mạnh mẽ, quyết liệt và một đội ngũ gắn kết để quản lý. Thai League cũng được công nhận là giải đấu hay nhất khu vực và sự công nhận này thúc đẩy chúng tôi phải nỗ lực để duy trì danh tiếng và không ngừng cải thiện. Chúng tôi tin vào những gì chúng tôi đang làm.

Cụ thể, các ông đã làm gì để đưa Thai League trở thành giải đấu số 1 Đông Nam Á?

Thứ nhất, chúng tôi quán triệt xây dựng tính chuyên nghiệp, trách nhiệm từ lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Thái Lan tới quản lý ở các CLB, các thành viên Ban tổ chức, trọng tài, cầu thủ. Khi mỗi cá nhân chuyên nghiệp thì giải đấu sẽ chuyên nghiệp.

Thứ hai, chúng tôi thúc đẩy phát triển các CLB thông qua hệ thống cấp phép của FIFA hay AFC. Các CLB luôn phải tự hoàn thiện mình nếu không muốn bị đào thải. Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, chúng tôi cố gắng xây dựng hình ảnh thật đẹp cho giải đấu. Chất lượng chuyên môn, mặt sân, khán đài, trang phục… phải ở mức tốt nhất.

Đâu là nguyên tắc bắt buộc để Thai League có thể duy trì sức hút với truyền hình, người hâm mộ?

Chính trực, công bằng và hấp dẫn sẽ là những yếu tố chính để thu hút người hâm mộ cũng như truyền thông.

Vậy về phía các CLB, họ được hưởng lợi ra sao từ bản quyền truyền hình?

Cam kết tài chính từ bản quyền truyền hình sẽ giúp các CLB củng cố vị thế tài chính của mình. Khi sở hữu cơ sở tài chính vững chắc, họ có thể ký hợp đồng với các cầu thủ giỏi cả trong và ngoài nước, cải thiện cơ sở vật chất và tạo ra các hoạt động, chương trình khác như tiếp thị hình ảnh…

Thông qua truyền hình, các CLB cũng sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh và thương hiệu của chính mình, từ đó thu hút thêm nhà tài trợ. Một CLB có lượng người xem đông đảo sẽ nắm lợi thế khi đàm phán các hợp đồng kinh tế. Vì lẽ đó, tôi cho rằng, khi các trận đấu càng được phát trên nhiều kênh sóng, nhiều nền tảng khác nhau thì CLB càng hưởng lợi.

Nhìn rộng hơn, tiền bản quyền truyền hình cũng chỉ ra giá trị thực của giải đấu. Những nhà tổ chức, các CLB sẽ phải đặt mục tiêu lớn hơn, nỗ lực hoàn thiện mục tiêu đó và khi tất cả đều nỗ lực, kết quả sẽ rất tuyệt vời.

Hướng đi nào cho V-League?

Gia đình hạnh phúc của ông Benjamin Tan và bà Trần Thị Lan Hương

Ông nghĩ V-League thiếu gì để thực sự thu hút giới truyền thông?

Một tầm nhìn chiến lược hoặc một kế hoạch tổ chức giải đấu có thể kích thích truyền thông. Cạnh đó, giải đấu hay các CLB đều phải có kế hoạch tiếp cận công chúng, tự tạo ra nội dung, tin tức để truyền thông quảng bá cho mình. Dần dần, mọi thứ sẽ được cải thiện. Đối với tôi, truyền thông và người hâm mộ là hai yếu tố tác động lớn nhất tới thành công của giải đấu.

Về mặt tích cực, ông ấn tượng với điều gì ở V-League?

Những người hâm mộ cuồng nhiệt và cầu thủ có kỹ thuật tốt. Tôi cũng thấy một số trận đấu V-League có chất lượng rất cao. Tôi luôn tin rằng một giải đấu mạnh tạo ra đội tuyển quốc gia mạnh. Đội tuyển Việt Nam đã chơi thành công suốt hai năm qua nên V-League phải là giải đấu tốt. Tôi được biết, mỗi trận đấu có số lượng lớn người hâm mộ tại sân vận động và xem qua truyền hình. Đây chính là hạt nhân, CLB nên giữ những người hâm mộ này và thông qua họ thu hút người hâm mộ mới.

Có ý kiến cho rằng V-League trong vài năm qua có chất lượng chuyên môn tốt hơn Thai League khi liên tục giới thiệu những cầu thủ sáng giá, ông nghĩ gì về quan điểm này?

Mỗi liên đoàn, mỗi giải đấu hoặc câu lạc bộ có cách tạo ra giá trị riêng. Hiện tại, tôi tin rằng Việt Nam có hệ thống giải đấu trẻ mạnh mẽ, nơi giúp các bạn bồi dưỡng các cầu thủ tài năng. Chúng tôi cũng đang cải tổ các tuyến trẻ và tin rằng chúng tôi có thể tạo ra những cầu thủ xuất sắc trong tương lai không xa. Tất nhiên, để những cầu thủ trẻ trở thành nhân tố nổi bật ở đội tuyển quốc gia thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Theo ông, V-League có thể khai thác giá trị của các cầu thủ ngôi sao để tạo ra giá trị của giải đấu không?

Bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ giỏi và nổi tiếng. Họ là những ngôi sao của giải đấu, một số có thể là người giỏi nhất châu Á ở vị trí của mình. Tôi nghĩ các bạn có thể làm nhiều hơn để quảng bá cho họ, khi họ nhận được nhiều sự quan tâm thì cũng là lúc giải đấu có thêm giá trị về mặt hình ảnh, trở nên có sức hút hơn. Bằng cách này, những người chơi khác và các thế hệ tương lai cũng sẽ tin vào những giá trị bóng đá có thể mang lại.

Cảm ơn ông!

Vài nét về ông Benjamin Tan

Ông Benjamin Tan (43 tuổi) là người Singapore. Ông kết hôn với một phụ nữ người Việt Nam bà Trần Thị Lan Hương, cán bộ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Từ giữa tháng 5/2016, ông Tan được mời giữ chức Phó tổng giám đốc điều hành Công ty Thai League (đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan), đồng thời giữ chức Trưởng ban Club Licensing (cấp phép các CLB) của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan. Trên cương vị này, ông Tan để lại nhiều dấu ấn, góp phần giúp Thái Lan trở thành giải đấu số 1 khu vực Đông Nam Á.

Hữu Hiệp (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sep-thai-league-hien-ke-giup-v-league-nang-cao-gia-tri-hinh-anh-d469608.html