Sếp rút kinh nghiệm vụ trưởng phòng mượn bằng: Băn khoăn

Bởi hệ thống quản lý chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm cá nhân của từng vị trí nên khi xảy ra chuyện quy trách nhiệm rất khó.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa xem xét trách nhiệm các lãnh đạo có liên quan đến vụ bà Trần Thị Ngọc Thêm (tức Ngọc Thảo, Ái Sa) làm giả hồ sơ để thăng tiến đến chức Trưởng phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy. Theo đó, những người có liên quan đều bị... rút kinh nghiệm.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính nhận xét, những án kỷ luật trên như... đùa bởi chính những sai sót, khuyết điểm trong việc quá trình thẩm định, quy hoạch, bổ nhiệm đã khiến bà Trần Thị Ngọc Thêm dù chỉ học hết cấp 2, mượn bằng cấp 3 của chị gái vẫn lọt qua cửa ải của cơ quan ban ngành địa phương để thăng tiến.

Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này, theo ông Tri, là do hệ thống quản lý của Việt Nam vẫn thiếu quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm cá nhân của từng vị trí. Việc này đòi hỏi cả một quá trình song sự chuyển đổi lại không rõ ràng, không bố trí cơ chế người đứng đầu gắn với trách nhiệm - kể cả vật chất và trách nhiệm cá nhân.

Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thường gọi Trần Thị Ngọc Thảo, tên trong hộ khẩu Trần Thị Ngọc Thêm)

Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thường gọi Trần Thị Ngọc Thảo, tên trong hộ khẩu Trần Thị Ngọc Thêm)

"Quan điểm hiện nay vẫn là cơ chế tập thể, thường phải theo đám đông. Chẳng hạn, 5 người bỏ phiếu mà 3 người đồng ý, thì 2 người còn lại, dù có là thủ trưởng thì vẫn phải theo. Trong một cơ quan hay một ủy ban cũng vậy, thủ trưởng chỉ ký thay mặt mà thôi.

Về mặt khoa học, trong điều hành hành chính phải là chế độ thủ trưởng cá nhân (chỉ huy, điều hành), không thể là chế độ tập thể vì nếu cứ giữ mãi chế độ tập thể thì rất khó điều hành, việc quy trách nhiệm rất khó, và sau cùng chỉ ra rút kinh nghiệm hay không dám giải quyết. Chỉ là chế độ tập thể khi lấy ý kiến hoặc quyết định vấn đề gì mà thôi", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri chỉ rõ.

Mặt khác, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính cũng nhận xét rằng, ngay các điều luật, chủ trương hiện nay cũng chưa rõ ràng, vẫn là ai thấy mình không xứng đáng thì tự từ chức, mà điều này rất khó xảy ra.

"Cách điều hành và quản lý không rõ ràng khiến khi xảy ra nhiều chuyện, đụng đến nhiều vấn đề thì lại không quy trách nhiệm cho ai được, nên dĩ hòa vi quý cho xong", ông nói.

Cho rằng trong công tác cán bộ vẫn còn nhiều tồn tại, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đề nghị phải thiết lập một cơ chế cụ thể. Theo đó, quản lý làm việc phải theo cơ chế chứ không phải theo quan điểm. Ngoài ra, giữa trách nhiệm và quyền điều hành phải quy định hết sức cụ thể, ví dụ, cá nhân không làm được việc thì cá nhân ấy phải chịu trách nhiệm, không thể cứ nhùng nhằng từ trên xuống dưới, thiếu rõ ràng.

Sự nhùng nhằng, thiếu rõ ràng ấy dẫn đến cách xử lý dĩ hòa vi quý, không ai phải chịu trách nhiệm như trường hợp nữ trưởng phòng ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, song theo vị chuyên gia, nó còn để lại hệ quả đáng lo ngại hơn, đó là khiến người dân cảm thấy thiếu tin tưởng.

"Nếu kỷ cương chưa nghiệm, vẫn có tình trạng đổ lỗi cho nhau sẽ khó làm được việc và khó thu hút được người tài giỏi. Chúng ta vẫn nói về 4 khâu trong đổi mới: đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức,đổi mới cơ chế và đổi mới hành động. Trong 4 khâu này, yếu tố quyết định cuối cùng mang tính đột phá để đưa đất nước phát triển là phải đổi mới cơ chế. Nếu vẫn cứ hành động trong một cơ chế cũ thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Trước đó, qua xem xét, đánh giá, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra quyết định chỉ rút kinh nghiệm nhiều lãnh đạo liên quan đến vụ nữ trưởng phòng mượn bằng chị gái để thăng tiến.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Trần Quang Tân, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, nguyên Đảng ủy viên, nguyên phó trưởng Ban tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong quá trình công tác, ông Tân có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng của quần chúng Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm).

Khuyết điểm của ông Trần Quang Tân, theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, quá trình kết nạp Đảng của quần chúng Trần Thị Ngọc Ái Sa có liên quan đến trách nhiệm nhiều tổ chức, cá nhân. Xét cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy không thi hành kỷ luật đối với ông Trần Quang Tân, yêu cầu ông này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ông Lê Tiến Hùng - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cũng có khuyết điểm, sai phạm trong việc cùng tập thể Đảng ủy công ty nhiệm kỳ 2003 - 2005 xem xét, kết nạp quần chúng Lê Thanh Sơn (chồng bà Ái Sa, tức Thảo, Thêm) vào Đảng không đúng quy định.

Khuyết điểm của ông Hùng đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, xét cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ yêu cầu ông Sơn nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đưa ra xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phạm Thị Lan, nguyên trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong tham mưu giúp chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa giữ chức phó trưởng phòng, trưởng phòng quản trị và bổ nhiệm bà Bùi Thị Thân giữ chức vụ Phó trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân chưa đúng quy trình, quy định.

Bà Lan cũng có phần trách nhiệm trong việc kết nạp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa vào Đảng không đúng quy định. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định khuyết điểm của bà Phạm Thị Lan đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng nhưng cũng chỉ yêu cầu bà này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Về phần bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, trước đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành các quyết định khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với bà này.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sep-rut-kinh-nghiem-vu-truong-phong-muon-bang-ban-khoan-3392315/