Sếp Qualcomm mang Bphone sang San Diego 'khoe' đồng nghiệp

Bên lề Security World 2018, chiều 6.4, ông Jim Cathey - Phó Chủ tịch của Qualcomm Technologies chia sẻ, đã sử dụng lần lượt các đời Bphone. Ông Jim Cathey sở hữu cả phiên bản Bphone 1 và Bphone 2017.

Ông Jim Cathey - Phó Chủ tịch của Qualcomm Technologies.

Ông Jim Cathey đánh giá, Bphone có thiết kế tuyệt vời, phần mềm tốt. Khi ông Jim Cathey sử dụng Bphone ở San Diego (California, Mỹ), bạn bè và đồng nghiệp rất ngạc nhiên vì đây là sản phẩm “Made in Vietnam”.

Cũng như Bphone, nhiều điện thoại di động của hãng lớn như Samsung, Oppo, Vivo, Sony… chạy trên nền tảng chip Qualcomm. Khi ra mắt Bphone, Qualcomm từng tuyên bố hỗ trợ đưa sản phẩm này ra toàn cầu nhưng chưa thực hiện được. Lí do Qualcomm đưa ra là Bphone mới có băng tần trong nước, chưa hỗ trợ nhiều băng tần quốc tế.

Tuy nhiên, ông Jim Cathey cho rằng, với sản phẩm chất lượng, thiết kế đẹp và mức giá phù hợp thì cơ hội thâm nhập vào thị trường toàn cầu của Bphone là rất lớn.

Về chiến lược thâm nhập, Qualcomm sẽ không can thiệp nhưng nếu cần Qualcomm sẽ hỗ trợ, đặc biệt trong hai lĩnh vực. Thứ nhất, thiết kế Bphone phải đáp ứng được không chỉ về camera, màn hình… mà còn cần tối ưu hóa băng tần cho phù hợp với các nước. Qualcomm có những cơ sở thí nghiệm, đo kiểm để hỗ trợ nhà sản xuất đáp ứng tiêu chí đó. Thứ hai, Qualcomm là tập đoàn đa quốc gia nên có mối quan hệ ở nhiều thị trường khi Bkav muốn thâm nhập thị trường toàn cầu, Qualcomm sẵn sàng chia sẻ về hệ thống phân phối, hoặc kết nối với các đối tác ở các quốc gia khác...

Về vấn đề vì sao Qualcomm sẵn sàng chia sẻ lợi ích sở hữu trí tuệ với những công ty sản xuất “nhỏ bé” tại Việt Nam, Qualcomm cho rằng, việc cấp bản quyền là công bằng dù quy mô công ty có như thế nào. Các nhà sản xuất VN hiện tại còn nhỏ nhưng Qualcomm hi vọng với sự hỗ trợ, cấp phép tập đoàn và nỗ lực của bản thân, công ty đó sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Còn với công nghệ 5G mới nhất hiện nay, Qualcomm sẵn chia sẻ bản quyền sáng chế cho các nhà sản xuất Việt Nam cũng như cho các hãng lớn như Samsung và những nhà sản xuất khác.

Tuy nhiên, với việc đón đầu 5G, liệu các công ty sản xuất tại Việt Nam có thể vượt lên các quốc gia khác? Trước câu hỏi này, Qualcomm cho rằng, có sự chuyển dịch sản xuất từ Nhật Bản sang Hàn Quốc sang Đài Loan (TQ) và nay là Việt Nam. Theo lý giải của Qualcomm, chi phí sản xuất nhân công ở Việt Nam thấp, trong khi kỹ năng của lao động Việt Nam rất tốt, Chính phủ có nhiều ưu đãi, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Và hiện tại, Việt Nam đã là công xưởng sản xuất, ví dụ Samsung đã sản xuất tại Việt Nam. Còn để cạnh tranh Trung Quốc thì Việt Nam phải tìm ra hướng đi riêng, phát hiện, dự đoán những thị trường mới và đi tiên phong sản xuất các thiết bị IOT (mạng lưới thiết bị kết nối internet).

Hải Đăng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-nghe/sep-qualcomm-mang-bphone-sang-san-diego-khoe-dong-nghiep-599982.ldo