Sếp ngân hàng nào buộc phải chia tay với các chức danh kiêm nhiệm?

Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, theo đó lãnh đạo các TCTD không được kiêm nhiệm hai chức danh tương đương tại ngân hàng và doanh nghiệp. Vậy những ngân hàng nào có lãnh đạo, Chủ tịch kiêm nhiệm những chức danh trên?

Những lãnh đạo ngân hàng nào sẽ chia tay với các chức danh kiêm nhiệm khi Luật các TCTD có hiệu lực?

Theo khoản 4 điều 34, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, theo quy định mới của Luật, Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Trường hợp đầu tiên phải đề cập tới là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Tập đoàn Masan ông Nguyễn Đăng Quang là Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất của Techcombank. Với tỷ lệ sở hữu 15% của Masan tại Techcombank, đây được coi là trường hợp sở hữu chéo điển hình trong ngành ngân hàng hiện nay.

Tiếp đó, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là ông Đặng Khắc Vỹ kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mareven Food Holdings có trụ sở tại CH Síp. Theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy ông Vỹ cùng gia đình hiện sở hữu gần 20% vốn của VIB.

Tiếp theo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là Chủ tịch CTCP Tập đoàn BRG - đối tác chiến lược của SeABank.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam rời LienVietPostBank sang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank). Với quy định mới, có thể ông Dương Công Minh sẽ phải nhường lại chiếc ghế chủ tịch tại Him Lam cho người thân hữu. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 11/1/2016, CTCP Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Dương Công Minh góp 99% vốn.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) kiêm Chủ tịch Tập đoàn Doji, gồm nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực trang sức, khoáng sản và bất động sản.

Bà Thái Hương là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á từ thời điểm thành lập (năm 1994) cho đến nay. Năm 2009, bà thành lập CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk).

Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và nhiều công ty con của cả hai pháp nhân này. Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm tham gia quản trị Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kiên Long Bank) năm 2013 và giữ chức Chủ tịch HĐQT từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Quốc Toàn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank giữa tháng 4/2016, hiện kiêm Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Nha Trang, Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty thương mại Hoàn Cầu...

Ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.Việt Á Bank là ngân hàng có quy mô khá nhỏ với tổng tài sản tới cuối năm 2016 là 61.465 tỷ đồng...

Với quy định từ 15/1/2018, đặc biệt việc quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo của các ngân hàng hiện nay, rõ ràng các lãnh đạo ngân hàng bắt buộc phải từ nhiệm một trong hai chức danh tại ngân hàng và các doanh nghiệp mà họ kiêm nhiệm. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu việc quy định này là bước tiến mới nhằm "chặt vòi" bạch tuộc của sở hữu chéo và đảm bảo hoạt động an toàn của toàn hệ thống.

Dương Thùy

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/sep-ngan-hang-nao-buoc-phai-chia-tay-voi-cac-chuc-danh-kiem-nhiem-120567.html