Sếp GP Invest nói về giấy phép xây dựng: 'Sự phiền hà của chúng ta!'

Thông qua so sánh với giấy phép xây dựng dưới thời Pháp thuộc, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP.Invest), đã chỉ ra sự bất cập, phiền hà trong việc cấp giấy phép xây dựng hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP.Invest

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP.Invest

Phát biểu tại "Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng", ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết ông từng tình cờ nhìn thấy một giấy phép xây dựng được cấp dưới thời Pháp thuộc, khoảng năm 1921.

"Giấy rất đẹp, in như bằng đại học, nhưng nội dung trong đó chỉ gồm ranh giới đất, mặt tiền. Có nghĩa là với giấy này, bên trong khu đất, anh muốn làm gì thì làm vì đấy là đất của nhà ông", ông Hiệp nói.

"Tôi cho là chúng ta cần nghiên cứu xem" – ông Hiệp tiếp tục – "bây giờ nội dung giấy phép của chúng ta, sửa cái toilet từ chỗ này sang chỗ kia thôi là lại phải xin phép, phải điều chỉnh giấy phép.

"Cái đó nằm trong đất của tôi, tôi không vi phạm vào ranh giới của người khác, tôi không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng của tôi đúng như thế, tôi không có vi phạm chiều cao cơ mà… Đó là những thông số cơ bản giấy phép phải có nhưng theo tôi nội dung giấy phép cần cải tiến. Đó là nội dung chúng tôi rất mong muốn", Chủ tịch GP.Invest đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp phát biểu tại Hội thảo do VCCI tổ chức

Đánh giá về dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị", ông Hiệp đánh giá cao những đột phá của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho rằng cơ quan soạn thảo nên hết sức cân nhắc về mặt câu chữ, vì chỉ cần một lỗi câu thôi cũng có thể làm người ta hiểu khác đi.

"Như Nghị định 09, quy định rằng chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải đấu giá, nhưng cơ quan soạn thảo lại thiếu một câu là chỉ những doanh nghiệp nào, nguồn gốc đất nào có trên 50% sở hữu nhà nước thì mới phải đấu giá. Chỉ thiếu một câu ấy thôi mà các dự án ở Hà Nội trong khoảng 1 năm trở lại đây không thể cử động được, kể cả có giấy phép", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, một trong những bất cập của Luật Xây dựng hiện nay là bắt buộc các nhà thầu phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng nhưng lại không có quy định các nhà đầu tư phải bảo lãnh thanh toán.

Điều này dẫn đến 100% các nhà thầu đều có nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Và chuyện có thể đòi được hay không là cả một bài toán phức tạp. "Có thể nói là tùy thuộc chủ đầu tư, còn đi kiện tòa dân sự thì không bao giờ giải quyết được vì không có luật nào quy định về bảo lãnh thanh toán cả".

"Chúng tôi kiến nghị Luật Xây dựng phải có quy định chủ đầu tư bảo lãnh thanh toán, ít ra phải là 30% cuối cùng, vì đây là giai đoạn rủi ro rơi vào nhà thầu.

"Ví dụ như Coteccons đang có tranh chấp với Công ty Vịnh Nha Trang ở dự án Panorama. Hiện chủ đầu tư đang nợ Coteccons 120 tỷ và yêu cầu công ty phải rút đi, thế thì ai xử khoản nợ 120 tỷ đây? Nếu đợi tòa dân sự chắc phải 2 năm nữa mới đòi được", ông Hiệp cho biết.

Một điểm bất cập nữa là Điều 136 vẫn quy định đơn giá định mức nhà nước do Bộ Xây dựng ban hành. Ông Hiệp cho rằng điều này chỉ đúng với các công trình sử dụng vốn ngân sách còn công trình tư nhân thì phải bỏ đi.

"Luật Xây dựng 2005 chúng ta đã mở ra, nhưng đến Luật 2013 lại đưa đơn giá định mức vào. Trong dự thảo Luật sửa đổi, Bộ vẫn để nước đôi là tham khảo áp dụng. Nhưng doanh nghiệp chúng tôi nói với nhau rằng để như vậy sẽ rất phức tạp vì cơ quan thuế vẫn có cơ sở yêu cầu quyết toán theo đơn giá định mức", ông Hiệp khẳng định.

Lấy chính dự án của mình làm ví dụ, ông Hiệp cho hay dự án của GP.Invest ở quận Hai Bà Trưng là một điển hình của sự phiền hà chính sách.

"Dự án của tôi có 42 cái nhà liền kề và một tòa 9 tầng lên. Luật quy định rất trớ trêu, trong khi 42 nhà thấp tầng chỉ cần quận cấp phép thì tòa 9 tầng lại phải lên tận sở. Lúc chúng tôi đưa hồ sơ lên thì Sở Xây dựng bảo cái này phải cắt ra, 42 nhà thấp tầng đưa về cho quận cấp, thế nhưng khi chúng tôi cắt rồi, ông quận lại bảo không được, phải đưa lên sở. Thế là lằng nhằng mất 3 tháng trời".

"Cho nên tôi kiến nghị, nếu đã có quy hoạch 1/500 thì mức độ công trình như thế nào nên rõ ràng ra: ai được cấp phép. Phải rõ ràng để doanh nghiệp không mất thời gian vì thủ tục hành chính".

"Chúng tôi xin đề nghị với Bộ Xây dựng, hãy để Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam có 1 buổi đối thoại với Bộ trước khi Luật được ban hành", ông Hiệp nói.

Thụy Khanh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sep-gp-invest-noi-ve-giay-phep-xay-dung-su-phien-ha-cua-chung-ta-20171213172641136.htm