Sếp doanh nghiệp lữ hành phải đi học... làm du lịch (KỲ I): 'Chuẩn hóa' ngành hay hành doanh nghiệp

Quy định 'sếp doanh nghiệp lữ hành đi học lại' đang gây tranh cãi do vừa tốn chi chí của doanh nghiệp, vừa ngược lại với chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.

Chương V Luật Du lịch 2017 quy định trường hợp không có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành trở lên thì người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa, tùy theo mảng đăng ký kinh doanh. Vấn đề rắc rối phát sinh tiếp theo từ Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL hướng dẫn điều khoản. Vấn đề đang nhận nhiều sự quan tâm và phản hồi bức xúc từ các doanh nghiệp khi thời hạn đảm bảo điều kiện đặt ra đang gần kề.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch lữ hành phải đi học lại bởi quy định gây tranh cãi từ Thông tư 06.

Bình luận vấn đề này, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết: “Luật Du lịch cũ, căn cứ vào kinh nghiệm làm việc, giám đốc kinh doanh lữ hành nội địa chỉ cần 4 năm kinh nghiệp, kinh doanh lữ hành quốc tế điều kiện là 5 năm – điều này vô tình làm những người học du lịch thất nghiệp, những người không học du lịch choán chỗ và phát triển du lịch không chuyên nghiệp. Luật mới hướng đến đào tạo chuyên nghiệp hơn là kinh nghiệm”.

Góc nhìn khác, đại diện Vitours khẳng định: “Buộc chủ tịch, giám đốc một công ty lữ hành đi học để bổ túc chứng chỉ điều hành dịch vụ là không đúng, nếu là lớp quản lý du lịch thì còn chấp nhận. Bởi nghiệp vụ điều hành chỉ là một công việc rất nhỏ trong các thao tác, không phải là quan trọng nhất trong các công việc của một công ty lữ hành”.

Tổng thư ký Hội lữ hành TP Đà Nẵng - ông Hồ Thanh Tú chia sẻ bức xúc: “Thông tư 06 rất nhiều bất cập, một số ngành học từ trước 2017 được Bộ GĐ&ĐT cấp chứng chỉ thì TT 06 không công nhận, ví dụ ngành Kinh tế Du lịch – vì thừa từ “Kinh tế”, quy định buộc phải bổ sung đúng các ngành, mã ngành mà Bộ yêu cầu”.

Quy định đặt ra từ 1/1/2019, các doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện này, dù đã có ý kiến rất nhiều nhưng lãnh đạo các công ty tại Đà Nẵng cũng phải buộc đi học cho đúng quy định, đại diện Hội Lữ hành cho biết. Theo thông tin, trường cao đẳng Văn Lang ở Hà Nội có chi nhánh tại Đà Nẵng hiện là cơ sở đáp ứng cấp chứng chỉ, chi phí cho một khóa học điều hành du lịch quốc tế là 3,5 triệu, nội địa là 2,5 triệu.

Với hàng ngàn doanh nghiệp du lịch lữ hành trên cả nước đang hoạt động, dự kiến sẽ mất nhiều tỷ đồng để các doanh nghiệp bổ túc chứng chỉ cho đúng quy định gây nhiều tranh cãi này.

(Còn tiếp)

Kiều Vũ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/sep-doanh-nghiep-lu-hanh-phai-di-hoc-lam-du-lich-ky-i-chuan-hoa-nganh-hay-hanh-doanh-nghiep-139113.html