Sếp công ty 1 tỉ USD: Kéo khách quốc tế đến Việt Nam

Thói quen của người đi du lịch Việt Nam đã thay đổi, do vậy nếu các công ty du lịch không chịu thay đổi sẽ thất bại.

Klook - một nền tảng đặt trước các dịch vụ du lịch - đã huy động tổng vốn lên đến 520 triệu USD từ các quỹ đầu tư danh tiếng và trở thành doanh nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD. Hiện nay Klook đã mở văn phòng tại Việt Nam và đang hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp để đưa du khách quốc tế đến nước ta.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông C.S Soong, Giám đốc vùng Đông Nam Á của Klook, nhận xét: “Hiện không có quốc gia nào có mức tăng trưởng du lịch nhanh như thị trường Việt Nam”.

Kéo du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn

. Phóng viên: Thưa ông, trước đây khi Klook chưa đặt văn phòng ở Việt Nam, số lượng người dùng đặt dịch vụ tăng trưởng chóng mặt. Vậy hiện nay kết quả tăng trưởng thế nào?

+ Ông C.S Soong: Số lượng người dùng dịch vụ du lịch của chúng tôi đã tăng hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể so với năm 2018, số lượng nhà cung cấp dịch vụ và đối tác du lịch tại Việt Nam tăng trưởng 219% trên nhiều lĩnh vực gồm tour du lịch, tham quan, vận chuyển, nhà hàng, các hoạt động và trải nghiệm thực tế.

. Nhiều chuyên gia lo ngại các nền tảng công nghệ như Klook, Kkday, Airnb… với lợi thế về tài chính mạnh có thể “giết” các công ty du lịch truyền thống của Việt Nam?

+ Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng ở bất kỳ ngành nào, cạnh tranh sẽ thúc đẩy sự phát triển. Thực ra chúng tôi đang hợp tác với nhiều công ty Việt Nam để giúp đưa dịch vụ của họ đến với nhiều đối tượng hơn, cũng như giúp họ cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và đưa chúng đến gần với du khách quốc tế hơn. Đó là điều tốt cho tất cả các bên liên quan.

. Ông đánh giá thế nào về việc bắt tay với các công ty du lịch Việt?

+ Kế hoạch của chúng tôi là mở rộng các dịch vụ du lịch tại Việt Nam để phục vụ khách du lịch tự túc tốt hơn khi họ đến tham quan đất nước của các bạn. Qua đó giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách tại thị trường Việt Nam và đáp ứng các phân khúc du lịch khác nhau.

Dự báo doanh thu của thị trường kinh doanh lữ hành và tour du lịch sẽ đạt 120 tỉ USD trong năm nay. Đông Nam Á vẫn là khu vực then chốt đối với chúng tôi, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Do vậy chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam theo hướng mở rộng, đa dạng các dịch vụ để phục vụ khách hàng.

Ông C.S Soong khẳng định sẽ góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông C.S Soong khẳng định sẽ góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Ảnh: TÚ UYÊN

Việt Nam còn yếu về quảng bá du lịch

. Qua nghiên cứu và khảo sát, ông có thể cho biết du khách nước ngoài mong muốn gì về dịch vụ du lịch Việt Nam? Và bản thân ông thường chọn điểm đến du lịch nào tại Việt Nam?

+ Theo đánh giá của tạp chí Forbes, năm nay Việt Nam được xếp vào top 14 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới dựa trên các tiêu chí về điểm tham quan, văn hóa và ẩm thực. Do đó, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam để trải nghiệm các hoạt động và văn hóa địa phương.

Bản thân tôi yêu thích TP.HCM, ví dụ năm ngoái tôi có đi tham quan Củ Chi.

. Ông khuyến nghị gì với các công ty du lịch Việt trong bối cảnh đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác?

+ Chúng tôi nhận thấy khách du lịch tự túc có xu hướng quay lưng lại với các công ty du lịch truyền thống để lập kế hoạch du lịch của riêng họ. Xu hướng du lịch tự túc dự kiến sẽ gia tăng. Đặc biệt có đến 90% khách du lịch Việt Nam tham khảo thông tin trên các kênh trực tuyến trong giai đoạn lên kế hoạch cho chuyến đi.

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng. Chẳng hạn, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2018 đạt 11,7 triệu, tăng 22% so với năm trước đó. Đáng chú ý, quy mô thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam trong năm 2018 được định giá là 3,5 tỉ USD và tăng 15% mỗi năm.

Hơn nữa, có khoảng 52% người Việt đi du lịch nước ngoài chọn cách du lịch tự túc, tức họ tự lên kế hoạch cho hành trình của mình. Như vậy có thể thấy hành vi và thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, do vậy các thương hiệu cần tiếp tục đổi mới để thích nghi, đón đầu và giải quyết tốt các nhu cầu mới của khách hàng nếu không sẽ gặp khó khăn.

. Theo ông đâu là điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam hiện nay?

+ Đó là việc quảng bá. Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp nằm trong top 10 điểm du lịch phát triển nhanh nhất thế giới và là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được xếp trong danh sách này.

Tuy nhiên, khi nói đến Việt Nam, du khách thường nghĩ về các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nhưng Việt Nam còn có rất nhiều nơi thú vị mà du khách có thể khám phá như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An…

. Ông từng đề cập đến việc hỗ trợ quảng bá, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Vậy cụ thể là gì, thưa ông?

+ Vì không phải công ty du lịch Việt Nam nào cũng am hiểu về kỹ thuật số, số hóa dịch vụ, nguồn lực… nên sẽ không thể nào bao phủ, phục vụ được hết khách quốc tế. Với giải pháp số hóa, chúng tôi đang giúp các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tiếp cận khách du lịch quốc tế tiềm năng, những người đang tìm kiếm các dịch vụ khác nhau tại địa phương để chuyến đi của họ tốt hơn. Ví dụ tìm gói tour, di chuyển tại địa phương, trải nghiệm kết nối và ăn uống…Từ đó góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.

. Xin cám ơn ông.

10.000 đối tác du lịch trên toàn thế giới

Ứng dụng đặt chỗ dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới Klook là nền tảng đặt trước các dịch vụ du lịch một cách đơn giản, tiện lợi. Qua đó giúp du khách đi tự túc có thể chủ động lên kế hoạch, đặt vé tàu, máy bay và khám phá trải nghiệm đa dạng trong hành trình của mình.

Mới đây Klook tổ chức lễ hội du lịch tại Việt Nam và thu hút rất nhiều người tham gia. Ảnh: TU

Hiện nền tảng này mang đến cho khách hàng hơn 50.000 hoạt động du lịch được cung cấp bởi 10.000 đối tác trong lĩnh vực lữ hành tại hơn 350 điểm đến trên toàn thế giới. Theo đó, một khách du lịch có thể ngồi ở nhà tìm kiếm thông tin trên website hoặc ứng dụng Klook trên những thiết bị di động và dễ dàng đặt các hoạt động và dịch vụ tại điểm đến trong chuyến đi sắp tới của họ. Klook hiện hoạt động với 13 ngôn ngữ, bao gồm Việt Nam.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/sep-cong-ty-1-ti-usd-keo-khach-quoc-te-den-viet-nam-874186.html