'Sếp' 8x bí ẩn của Gelex sở hữu nhiều quỹ 'đất vàng' tại Hà Nội

Nhắc tới Gelex ai cũng biết là một 'ông lớn' trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn sở hữu loạt đất vàng có vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Có "đất vàng" nhờ ồ ạt huy động vốn

GEX-tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện (Gelex, UPCoM: GEX) thành lập ngày 10/07/1990 với vốn điều lệ 1,550 tỷ đồng. Mảng hoạt động chính của Gelex là sản xuất kinh doanh thiết bị đo điện mang thương hiệu GELEX -EMIC bao gồm sản xuất kinh doanh các thiết bị điện dùng trong công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng.

Cuối tháng 10/2015, 155 triệu cp của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam đã chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM thuộc Sở GDCK Hà Nội (HNX). Kể từ khi lên sàn, thanh khoản cổ phiếu Gelex khá thấp và cơ cấu cổ đông cô đặc - gần 90% vốn cổ phần thuộc về hai cổ đông lớn là Bộ Công thương và CTCK Bản Việt (VCSC).

Đến cuối tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn tất bán ra hơn 122 triệu cổ phiếu Gelex chỉ trong một phiên giao dịch ngày 25/12/2015 nhằm thoái vốn theo định hướng đề ra. Lúc đó, việc sang tay 79% vốn từ Bộ Công Thương từ cuối năm 2015 khiến giới đầu tư tò mò về người "chủ" tiếp theo của GEX.

Công ty này còn sở hữu một danh mục các công ty con với những thương hiệu có tiếng trên thị trường về thiết bị điện như Cadivi, Thibidi hay HEM. Gelex hiện tại có 10 công ty thành viên, trong đó có 6 công ty con, 3 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh. Trong số các công ty con, 3 công ty lớn nhất là CTCP Dây cáp điện Việt Nam – CADIVI với vốn điều lệ 288 tỷ đồng (Gelex sở hữu 65% vốn), CTCP Thiết bị điện – THIBIDI với vốn điều lệ 120 tỷ đồng (Gelex sở hữu 65.16%) và CTCP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) với vốn điều lệ 322.45 tỷ đồng (Gelex sở hữu 65.84%).

Được biết, Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) – công ty con của Gelex, hiện đang sở hữu 35% vốn của Khách sạn Melia Hà Nội, tọa lạc tại địa chỉ 44B Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Khách sạn này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1998 do liên doanh SAS-CTAMAD (được thành lập giữa HEM và SAS Trading Ltd - công ty con của TTC Land, Thái Lan) là chủ đầu tư. Trên BCTC hợp nhất quý 3/2015, do HEM là công ty con nên Gelex ghi nhận phần sở hữu tại SAS-CTAMAD tương đương là 23.11%, giá trị của phần vốn góp này gần 180 tỷ đồng, giá trị hợp lý lên tới 307.5 tỷ đồng, tương đương với giá trị của Melia Hà Nội có thể đạt khoảng 1,350 tỷ (60 triệu USD).

Khách sạn Melia Hà Nội

Khách sạn Melia Hà Nội

Thực tế, giá trị của khoản đầu tư này có thể cao hơn rất nhiều. Bởi theo một báo cáo phân tích về giá trị các khách sạn có quy mô 5 sao dựa vào các thương vụ M&A đã diễn ra do CTCK Bảo Việt (BVS) công bố, dựa vào giá trị phòng trung bình của các khách sạn cùng quy mô tại Hà Nội, giá trị của Melia với quy mô 306 phòng có thể lên tới 130 triệu USD, gấp đôi giá trị hợp lý theo BCTC của Gelex.

Bên cạnh đó, theo giới thiệu trên website của Công ty, Gelex hiện còn 2 dự án lớn khác tại vị trí đắc địa tại Hà Nội bao gồm: Dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm Thương mại – Khách sạn – Văn phòng cho thuê tiêu chuẩn 5 sao tại khu đất số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 – 29 Lý Thái Tổ, Hà Nội với diện tích là 9,934 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 1,900 tỷ đồng và Dự án Trụ sở Gelex tại số 52 Lê Đại Hành – Hà Nội nằm trên khu đất rộng 18,289 m2 với tổng vốn đầu tư là 443 tỷ đồng.

Lộ diện "sếp" 8x bí ẩn

Theo tìm hiểu, đầu tư cho Gelex là công ty con 100% vốn của Công ty TNHH Thiết bị và Xây lắp Huy Hoàng có trụ sở tại Gia Sàng, TP. Thái Nguyên.

Công ty Huy Hoàng được thành lập tháng 4/2012 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Để lập Công ty Đầu tư Gex nhằm mua lại cổ phần Gelex, Huy Hoàng giữa tháng 4/2016 tăng vốn gấp gần 300 lần lên 952 tỷ đồng. Trong đó 2 cổ đông lớn nhất là bà Dương Thị Hồng Hạnh, góp 51% và bà Đào Thị Lơ sở hữu 23%.

Ngày 26/8/2016, HĐQT Gelex đã ra quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984) làm Tổng Giám đốc, đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật, mà giới đầu tư hay gọi là Tuấn "mượt".

Ông Tuấn chính là chồng bà Dương Thị Hồng Hạnh và là con ruột bà Đào Thị Lơ, những thể nhân vừa nêu ở trên. Bởi vậy có thể hiểu ông Nguyễn Văn Tuấn là người đại diện phần vốn của nhóm nhà đầu tư đến từ Thái Nguyên. Và với tỷ lệ sở hữu lớn dần tại Gelex, ông Tuấn ngày 3/1/2018 vừa qua đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Gelex thay cho ông Nguyễn Hoa Cương - người trước đây là đại diện phần vốn của Bộ Công Thương.

Dù chưa lộ mặt trên truyền thông bao giờ nhưng cái tên Tuấn "mượt" khá bí ẩn, thường chỉ được biết đến với các "giai thoại" trong cộng đồng nhà đầu tư.

Trong vài năm gần đây, tên tuổi ông Tuấn trở nên nổi bật bởi những thương vụ thâu tóm tại các doanh nghiệp logistics mà nhà nước thoái vốn như Vietransimex, Sowatco và mới nhất là Gelex... với tổng giá trị các thương vụ lên tới cả nghìn tỷ đồng, mà đặc điểm của các thương vụ này là sự chuyển nhượng cổ phần lòng vòng vô cùng phức tạp giữa các cổ đông, đến giờ vẫn chưa kết thúc.

Với những thương vụ trên, ông Nguyễn Văn Tuấn đã được biết đến trong vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCK IBSC (mã: VIX) – vốn là công ty chứng khoán Xuân Thành trước đây của bầu Thụy. Thất bại trong lĩnh vực chứng khoán, bầu Thụy bán hết cổ phần và chứng khoán Xuân Thành đã thay ruột với bộ máy lãnh đạo mới, đề ra chiến lược và mục tiêu mới. Và sau đó, công ty này nổi lên với các thương vụ làm trung gian để mua bán nhiều cổ phiếu.

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/sep-8x-bi-an-cua-gelex-so-huu-nhieu-quy-dat-vang-tai-ha-noi-233403.htm