Senegal 'nghiện' vay nợ Trung Quốc

Trung Quốc đã tranh thủ được sự ủng hộ của Senegal, ngày càng tới gần mục tiêu đạt được một mối quan hệ đặc quyền với nước này mà trước giờ chỉ Pháp có được nhờ yếu tố lịch sử.

Ngày 20/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dừng chân tại Senegal trong chuyến công du châu Phi, đánh dấu lần thứ thứ 3 ông Tập và Tổng thống Senegal Macky Sall gặp nhau kể từ năm 2012.

Trong khi Trung Quốc chỉ xem Senegal bình thường như tất cả các nước châu Phi còn lại, Tổng thống Sall lại có rất nhiều thứ muốn đạt được và từng nói về một “mối quan hệ đặc biệt” kết nối 2 nước.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong nhiệm kỳ thứ hai làm chủ tịch Trung Quốc, ông cũng sẽ dừng chân tại Rwanda trước khi đến Nam Phi để dự hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Tổng thống Sall, trúng cử vào năm 2012, đã đưa ra “Kế hoạch cho sự trỗi dậy của Senegal”, với mục tiêu đến năm 2035 sẽ thay đổi toàn diện nền kinh tế và cơ sở hạ tầng nước này, bao gồm tất cả các lĩnh vực từ giao thông, công nghiệp, giáo dục, đô thị hóa cho đến nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và việc làm.

Để làm được những việc này, các khoản vay từ Trung Quốc mang tính chất quyết định.

Thierno Ba Demba, đồng sáng lập Học viện Đàm phán ứng dụng và là cố vấn của chính phủ đã phát biểu như sau về các khoản vay Trung Quốc. “Các khoản vay từ Trung Quốc rất linh hoạt và có rất nhiều điều khoản có lợi cho chúng tôi. Sự thực là IMF đã cảnh báo Senegal về số nợ chúng tôi đã vay, nhưng chúng tôi đang tăng trưởng mạnh mẽ và có rất nhiều tài nguyên, trong đó có dầu”.

Senegal không phải là nước duy nhất bị IMF cảnh báo về tình trạng nợ chồng chất. Khá nhiều nước châu Phi khác được cho là cũng đang thiếu nợ Trung Quốc một khoản đáng kể. Lý do là các khoản vay của Trung Quốc có điều kiện khá dễ dàng và các nước này phải vay mượn để đối phó với tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng đang xảy ra ở hầu hết các nước vùng Hạ Sahara. Ví dụ như Kenya, trong một tiết lộ gần đây cho thấy hơn 70% khoản nợ nước ngoài của Kenya là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, rất khó để có số liệu chính xác về tổng tiền Senegal vay Trung Quốc. Trung Quốc đã cho vay và đầu tư tổng số tiền lên đến 1,6 tỷ USD để làm một con đường cao tốc nối liền Dakar và Touba, xây dựng một phần khu công nghiệp Diamniadio cùng với nhiều dự án khác, biến Trung Quốc thành nhà đầu tư hàng đầu của Senegal, đồng thời cũng là đối tác thương mại quốc tế đứng thứ hai sau Pháp (năm 2012 Trung Quốc đứng thứ 24).

Châu Phi chỉ chiếm 4% thương mại quốc tế của Trung Quốc, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc đã làm châu Phi trở nên năng động hơn và làm đa dạng hóa sự lựa chọn đối tác kinh tế của châu lục này.

“Mục đích chính của Trung Quốc là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của châu Phi trên các diễn đàn quốc tế, mặt khác là giải quyết vấn đề dư thừa năng suất của Trung Quốc bằng cách tạo ra nhu cầu ở bên ngoài”, theo Thierry Pairault, Trung tâm nghiên cứ Khoa học Quốc gia Pháp.

Trong khi tổng thống Sall trải thảm đỏ cho ông Tập, cần nhớ rằng Trung Quốc là một đối tác tương đối mới của Senegal, Dakar chỉ vừa nối lại lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 2005. Năm 1996, Bắc Kinh đã dừng quan hệ với Dakar vì các vấn đề liên quan đến Đài Bắc.

Quan hệ với Bắc Kinh đã làm giảm bớt sự phụ thuộc của Senegal vào một “mối quan hệ đặc biệt” khác với Pháp, Senegal trước đây vốn là thuộc địa của Pháp và đến giờ Pháp vẫn là sự hiện diện chính trị và thương mại nước ngoài quan trọng nhất ở Senegal.

Một ví dụ về sự ảnh hưởng của Pháp ở Senegal: Senegal đang sử đồng tiền chung có tên CFA, phiên bản Tây Phi. CFA, bao gồm 14 nước, thông qua hai ngân hàng trung ương khu vực Tây và Trung Phi đã gửi 50% dự trữ ngoại tệ vào Ngân hàng quốc gia Pháp để đổi lại một tỷ giá cố định khi chuyển đổi đồng euro. CFA đang đối mặt với nhiều chỉ trích nhất trong hàng chục năm qua.

Trung Quốc đã tranh thủ được sự ủng hộ của Senegal, ngày càng tới gần mục tiêu đạt được một mối quan hệ đặc quyền với nước này mà trước giờ chỉ Pháp có được.

Trong khi Senegal có một chiến lược rõ ràng để có thêm được nhiều khoản vay nhằm cung cấp tài chính cho sự phát triển, Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để tham gia các diễn đàn châu Phi nhằm thu thập kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà nước này không quen thuộc.

“Trung Quốc mong muốn kết nối với khu vực, và Trung Quốc không hề có sự phân biệt đối xử với những nơi mà nước này muốn đến. Thêm nhiều khoản đầu tư và các dự án trả góp là một việc còn mang nhiều tính thử nghiệm, nhưng cả hai phía cần tiến hành một cách thận trọng”, theo phát biểu của Janet Eum thuộc tổ chức Nghiên cứu Trung Quốc - Châu Phi.

Trọng Đạt/theo Quartz

Nguồn NDH: http://ndh.vn/senegal-nghien-vay-no-trung-quoc-20180721074548675p145c151.news