'Sell in May' đến sớm, rủi ro vẫn còn

Trong 10 phiên giao dịch từ ngày 10 - 23/4/2018, chỉ số VN-Index giảm gần 130 điểm, tương đương giảm hơn 10%. Nhà đầu tư 'chạy trước' hiệu ứng 'Sell in May' (bán trong tháng 5 và đi chơi), cơ hội liệu có sớm xuất hiện?

Giai đoạn tháng 5, thị trường rơi vào vùng trũng thông tin khi mà mùa đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp kết thúc, cũng như kết quả kinh doanh quý I đã được công bố trong tháng 4 và phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu. Các thông tin vĩ mô cũng không xuất hiện nhiều trong giai đoạn này. Đây là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư lo ngại hiệu ứng “Sell in May” sẽ xảy ra.

Mặc dù vậy, thống kê cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, có 5 năm thị trường tăng điểm trong tháng 5. Như vậy, cơ hội đối với các nhà đầu tư trong tháng 5 là 50/50, mặc dù thanh khoản cũng như giá trị giao dịch của thị trường thường giảm đáng kể so với tháng 4.

Ông Trần Đức Anh, Phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, yếu tố kỳ vọng hỗ trợ thị trường trong tháng 5 tới là hoạt động tích cực của dòng tiền bắt đáy sau khi trải qua nhịp sụt giảm mạnh trước đó, trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ thị trường trong trung hạn vẫn được duy trì như tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp hay chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, nếu xung đột địa chính trị ở Trung Đông giảm, Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận về thương mại, giúp loại bỏ nguy cơ chiến tranh thương mại thì tâm lý thận trọng của nhà đầu tư toàn cầu sẽ được giải tỏa, là yếu tố có thể hỗ trợ TTCK toàn cầu nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng.

Trong nước, dự báo các thông tin trong tháng 5 chủ yếu là thông tin về hoạt động ngành, doanh nghiệp, IPO, niêm yết mới…, có tác động cục bộ đến các nhóm ngành, cổ phiếu đơn lẻ, sẽ không có ảnh hưởng lớn đến TTCK.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán nhận xét, thị trường từng phải “gồng mình” lên để đạt ngưỡng 1.200 điểm trong phiên 9/4/2018. Thời điểm đó, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh, nhất là nhóm chứng khoán và bất động sản. Vừa qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh về giá, trong đó nhóm ngân hàng không còn nhiều động lực, thị trường phụ thuộc chủ yếu vào một số mã như VIC, VNM, GAS, NVL...

Nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô và vi mô, hầu hết đều khả quan nên diễn biến điều chỉnh hiện tại của TTCK chủ yếu liên quan đến yếu tố ngoài nước và yếu tố nội tại của thị trường. Trong đó, khối ngoại liên tiếp có động thái bán ròng và sức căng của đòn bẩy tài chính thời gian qua đã góp một phần vào đà giảm này.

Quan sát khối lượng giao dịch cho thấy, dòng tiền mạnh chưa quay lại nên rất khó để thị trường hồi phục theo mô hình chữ V như từng diễn ra trong tháng 2/2018. Nhà đầu tư cũng thận trọng hơn bởi tâm lý “Sell in May”.

“Nhịp điều chỉnh này có thể kéo dài, dự báo chiếm khoảng 2/3 thời gian của tháng 5, nên nhà đầu tư cần lưu ý lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp. Nhiều cổ phiếu sẽ mang đến cơ hội tốt cho nhà đầu tư giai đoạn sau này”, ông Bình nhận định.

Thực tế, sau những phiên giảm điểm sâu vừa qua, nhiều cổ phiếu đã rơi xuống vùng giá hấp dẫn và có thể kích thích hoạt động bắt đáy, giúp thị trường hồi phục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo ông Bình, vẫn còn quá sớm để kết luận những phiên tới sẽ xuất hiện nhịp hồi phục bền vững và xu hướng điều chỉnh của thị trường chung đã thực sự chấm dứt trong bối cảnh chỉ số VN-Index tăng trưởng trong nhiều quý liên tiếp trước đó, nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư vẫn đang ở mức cao.

“Mặc dù đánh giá cao khả năng hồi phục trong ngắn hạn, tuy nhiên, nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp hồi phục để điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mức trung bình thấp và quan sát thêm các yếu tố khác như thanh khoản thị trường, giao dịch khối ngoại, hay diễn biến ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn… trong các phiên sắp tới để có thêm các tín hiệu đáng tin cậy hơn”, ông Bình nói.

Theo BVSC, trong kịch bản triển vọng hồi phục của thị trường trong trung hạn trở nên rõ nét, nhà đầu tư nên ưu tiên bắt đáy ở nhóm cổ phiếu thuộc các nhóm ngành tăng trưởng và đã trải qua nhịp giảm giá sâu, trong đó có thể kể đến ngành ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, nhiệt điện.

Bên cạnh đó, với diễn biến tích cực của giá dầu trong 3 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu dầu khí đang dần trở thành ứng viên tiềm năng dẫn dắt xu hướng hồi phục của thị trường, nếu giá dầu ổn định ở vùng giá hiện tại.

Nhìn chung, thị trường đang trong giai đoạn biến động khó lường, nhà đầu tư cần thận trọng khi bắt đáy. Khi khối lượng giao dịch chưa tăng lên, chứng tỏ dòng tiền mạnh chưa quay lại, những nhà đầu tư bắt đáy sẽ sớm chốt lời, khiến thị trường khó hồi phục. Cơ hội chủ yếu dành cho những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, giao dịch với các cổ phiếu sẵn cổ phiếu trong danh mục.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo, sau đợt điều chỉnh, các cổ phiếu bluechips sẽ trở về mặt bằng giá hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần thời gian tích lũy nhằm ổn định lại vùng giá này trước khi quay trở lại xu thế tăng điểm và VN-Index tái vượt ngưỡng 1.200 điểm. Ngoài ngân hàng, những dòng cổ phiếu dự đoán có thể thu hút dòng tiền trong thời gian tới bao gồm tiêu dùng, bất động sản, dầu khí, các cổ phiếu vốn hóa trung bình có nền tảng cơ bản tốt và đang có mức định giá thấp.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/sell-in-may-den-som-rui-ro-van-con-226610.html