Séc lấy làm tiếc vì lọt danh sách 'không thân thiện' Nga

Nga đã đưa Mỹ và Séc vào danh sách các quốc gia không thân thiện, Séc bày tỏ lấy làm tiếc vì hành động đối đầu.

Bộ Ngoại giao Séc mới đây đã có phản ứng sau khi bị Nga liệt vào danh sách "các quốc gia không thân thiện" cùng với Mỹ. Theo đó, các phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Nga sẽ không thể tiếp tục thuê nhân viên địa phương, trong khi các phái bộ của Séc chỉ có thể thuê tối đa 19 người.

Đại sứ quán Séc tại Nga.

Đại sứ quán Séc tại Nga.

Phía Praha cho rằng, bước đi của Nga như vậy là "hoàn toàn trái ngược" với Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, chủ yếu là cam kết cho phép các cơ quan đại diện ngoại giao làm việc thường xuyên và dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ giữa các quốc gia cụ thể.

Bộ Ngoại giao Séc lưu ý: "Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Nga đã chọn con đường đối đầu này để gây bất lợi cho mình, vì biện pháp như vậy sẽ có ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển có thể có của các cuộc tiếp xúc giữa các công dân bình thường, về du lịch và sự phát triển của các mối quan hệ thương mại".

Séc cho biết nước này sẽ không thay đổi việc giới hạn số lượng nhân viên tại Đại sứ quán Nga ở Praha sau bước đi của phía Nga.

"Không giống như thủ tục của Nga, bước đi của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế" - Bộ ngoại giao Séc cho biết thêm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek cho rằng, việc Nga đưa nước này vào danh sách quốc gia không thân thiện cho thấy "cáo buộc của Séc là đúng".

"Điều này chứng tỏ phản ứng của Cộng hòa Séc đối với sự cố Vrbetice là đúng và phản ứng vụ này đã ảnh hưởng đến Nga sâu sắc đến mức [Moscow] quyết định đưa chúng tôi vào danh sách các quốc gia không thân thiện, cùng với Mỹ" - Bộ trưởng Nội vụ Séc nhận định.

Rạn nứt ngoại giao giữa Praha và Moscow bùng lên vào ngày 17 tháng 4 sau khi cơ quan mật vụ Séc trình bày nghi ngờ rằng các nhân viên mật vụ quân sự GRU của Nga đứng sau vụ nổ trong một kho đạn ở Vrbetice, nam Moravia, vào năm 2014.

Tranh cãi giữa Séc và Nga căng thẳng trong vụ tranh cãi vụ nổ kho đạn từ năm 2014.

Cộng hòa Séc đã trục xuất 18 nhân viên của Đại sứ quán Nga tại Praha, và Moscow đã trả đũa bằng cách trục xuất 20 công nhân của Đại sứ quán Séc tại Moscow.

Chính phủ Séc cũng loại bỏ công ty Nga Rosatom khỏi cuộc đấu thầu xây dựng một tổ máy mới tại nhà máy điện hạt nhân Dukovany, nam Moravia.

Moscow bác bỏ các cáo buộc và các đại diện của Nga đã nhiều lần gọi tuyên bố của phía Séc là không có căn cứ, gây tranh cãi, vô trách nhiệm và khiêu khích.

Với việc cả hai bên tiếp tục giảm số nhân viên tại đại sứ quán của nhau, đến ngày 31/5 tới, Đại sứ quán của mỗi nước sẽ chỉ còn lại 7 nhân viên ngoại giao, 25 nhân viên hành chính và 19 nhân viên địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào ngày 15/5 đã gọi hành động của chính phủ Nga là "một bước leo thang khác".

Về phần mình, Đại sứ quán Mỹ tại Praha đã tweet rằng "chúng tôi tự hào được sát cánh cùng đồng minh kiên định của chúng tôi, Cộng hòa Séc!"

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/sec-lay-lam-tiec-vi-lot-danh-sach-khong-than-thien-nga-3432257/