Sears - Trùm bán lẻ số 1 nước Mỹ xin phá sản

Nhắc đến những thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Mỹ đương thời, người ta nghĩ đến ngay Walmart hay Amazon. Nhưng rất lâu trước khi những tên tuổi đó nổi đình nổi đám, 'ngai vàng' ngành bán lẻ của Mỹ thuộc về Sears. Đáng tiếc là chuỗi bán lẻ từng thống trị, làm thay đổi cách người Mỹ sống và tiêu dùng đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án New York hôm 15-10.

Công ty 132 tuổi này đã phải vật lộn trong nhiều năm và chìm trong nợ nần nhất là khoản nợ lên đến 134 triệu USD không thể chi trả nổi khi đến kỳ hạn hôm 15-10 vừa qua. Sears Holding, công ty mẹ của Sears và Kmart, nằm trong số hàng chục nhà bán lẻ nổi tiếng tuyên bố phá sản trong thời đại của Amazon. Tính đến thời điểm nộp đơn, khoảng 700 cửa hàng của Sears vẫn đang hoạt động và công ty vẫn đang sử dụng 68.000 nhân viên. Vào tháng 2 vừa qua, Sears có 1.000 cửa hàng và 89.000 nhân viên hoạt động.

Tuy vậy, Sears cho biết rằng công ty này đang tìm kiếm một "người mua" số lượng lớn những cửa hàng của công ty và vẫn duy trì ít nhất khoảng 142 cửa hàng đến cuối năm nay. Eddie Lampert, Chủ tịch và là cổ đông lớn nhất của Sears, đã từ bỏ vị trí CEO của công ty.

Sears đang dần thu hẹp quy mô các cửa hàng do làm ăn thua lỗ. Ảnh: Getty Images.

Trên thực tế, một số nhà bán lẻ nộp đơn xin phá sản với ý định ở lại trong thương trường, song nhiều hãng khác lại hoàn toàn bị phá sản sau khi nộp đơn. Trong những năm gần đây, Toy "R" Us, RadioShack và Sport Authority đã theo vết xe đổ này và rơi vào phá sản. Mùa lễ hội sắp tới sẽ thực sự là một thử thách đối với Sears. Trong khi các nhà bán lẻ truyền thống thường ăn nên làm ra trong mùa giảm giá cuối năm, Sears và Kmart lại đều lỗ. Sears không còn là sự lựa chọn ưa thích của nhiều người mua sắm tại Mỹ trong thập kỷ qua do sự xuất hiện của các cửa hàng trực tuyến cũng như các đối thủ đáng gờm như Walmart hay Home Depot, đánh bại Sears về cả giá cả lẫn độ thuận tiện.

Tuy vậy, nhiều vấn đề mà công ty này gặp phải lại phát sinh từ chính nó. Các nhà quản lý công ty này từng muốn cạnh tranh với các hãng khác bằng cách đóng cửa nhiều cửa hàng và cắt giảm chi phí. Công ty này cũng không chú trọng cho quảng cáo, không đầu tư vào việc bảo trì và hiện đại hóa các cửa hàng của mình. Các cửa hàng của Sears và Kmart bỗng trở nên nhỏ bé và lạc lõng giữa hàng chuỗi những siêu thị hiện đại tại Mỹ ngày nay.

Nợ chồng chất, và dự trữ tiền của công ty cũng dần tan biến. Sears đã phải bán nhiều tài sản quý nhất của nó, bao gồm cả những dự án bất động sản khổng lồ để bù lỗ, để tồn tại. Theo hồ sơ phá sản của Sears, công ty này mất khoảng 125.000 USD mỗi tháng. Sears bán Lands End, một nhà bán lẻ quần áo và trang trí nội thất, vào năm 2014. Ba năm sau bán phá giá thương hiệu Craftman.

Thậm chí công ty này vẫn đang rao bán Kenmore, một thương hiệu đồ gia dụng. Người mua duy nhất có khả năng lúc này là Lampert, người đã cung cấp đến 400 triệu USD cho Kenmore thông qua quỹ dự phòng của mình. Tuy nhiên, ban điều hành Sears chưa bao giờ đồng ý lời đề nghị này. Tháng 9 vừa qua, giá trị thị trường của Sears đã giảm xuống dưới 100 triệu USD, thấp hơn ¼ giá trị của Kenmore. Sears đã mất 11,7 tỷ USD từ năm 2010, cũng là năm mà lợi nhuận công ty này ở mức dương. Doanh thu giảm 60% kể từ đó.

Với việc đệ đơn phá sản, các nhà cung cấp hàng hóa đã yêu cầu Sears phải trả tiền hàng bằng tiền mặt trước đối với các mặt hàng trong chuỗi cửa hàng hiện vẫn còn đang hoạt động, đặt nó vào một tình thế cạnh tranh bất lợi đáng kể so với các đối thủ khác. Whirlpool, hãng kinh doanh có tuổi đời hơn 100 năm tại Mỹ, đã rút nhiều mặt hàng của mình khỏi chuỗi cửa hàng của Sears và Kmart hồi năm ngoái.

Sears từng là nhà bán lẻ sừng sỏ nhất tại Mỹ, với số lượng nhân viên lớn nhất. Trong thời hoàng kim của mình, Sears từng "chấp" cả Walmart lẫn Amazon ngày nay. Được thành lập năm 1886 bởi Richard Sears, một người kinh doanh trong ngành đường sắt, công ty này bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực buôn bán đồng hồ ở Bắc Redwood, bang Minnesota. Sears chuyển về Chicago năm 1887, và ông đã thuê một thợ sửa đồng hồ có tên Alvah Roebuck, cùng làm cộng sự của mình.

Tấm catalog đầu tiên của Sears, chuyên bán đồng hồ và trang sức, được in lần đầu tiên năm 1896. Chính tấm catalog này của Sears đã khiến nhiều người Mỹ bắt đầu mua hàng hóa được sản xuất hàng loạt. Đó thực sự là một sự thay đổi to lớn đối với những người vốn sinh sống trong những trang trại và những thị trấn nhỏ và đã tạo ra nhiều hàng hóa mà họ cần, kể cả quần áo và nội thất.

Những cửa hàng của Sears đã định hình lại nước Mỹ, thu hút người mua khỏi những cửa hàng của các nhà buôn truyền thống trên những tuyến phố lớn. Sears đã đưa mọi người vào những trung tâm mua sắm, góp phần vào quá trình dịch chuyển dân cư của Mỹ trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai. Hãng Kenmore của Sears đã "giới thiệu" với nhiều gia đình của Mỹ những thiết bị tiết kiệm sức lao động và thay đổi những hoạt động trong gia đình. Sears thực sự đã làm thay đổi nước Mỹ.

Tuy thế, trước sự trỗi dậy của Amazon và mua sắm online, Sears đã rất vật lộn để theo kịp những thói quen mua sắm của người Mỹ. Những nhà bán lẻ khổng lồ như Walmart đã đánh bại Sears về cả giá thành lẫn lựa chọn về hàng hóa.

Năm 1997, Sears bị đá khỏi Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sau 75 năm trụ vững và cũng năm đó, đối thủ đáng gờm khác của nó, Home Depot thay thế Sears. Sears và Kmart đã phải sáp nhập để thành lập Sears Holdings vào năm 2005.

Vào thời điểm đó, có đến 3.500 cửa hàng của Sears và Kmart trên khắp nước Mỹ. Giờ thì chỉ còn có 900. Tháng 7 vừa qua, Sears đã đóng cửa cửa hàng cuối cùng tại Chicago, quê hương của nó. Tháng 8 vừa qua, công ty thông báo sẽ đóng cửa thêm 46 cửa hàng. Một cái kết buồn cho thương hiệu từng là số 1 của Mỹ.

Duy Tiến (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/sears-trum-ban-le-so-1-nuoc-my-xin-pha-san-518630/