SEA Games 31 gặp bộn bề khó khăn

Dự kiến khai mạc vào ngày 21/11/2021 nhưng khi chỉ còn cách thời điểm này 14 tháng, nhiều thứ vẫn còn ngổn ngang ở Việt Nam.

 Khâu chuẩn bị cho SEA Games 31 ở Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh: VFF.

Khâu chuẩn bị cho SEA Games 31 ở Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh: VFF.

Tại kỳ SEA Games 22 được tổ chức năm 2003, Việt Nam có một kế hoạch dài hơi tổ chức. Trong đó bài hát chính thức "Vì một thế giới ngày mai", logo và khẩu hiệu của ngày hội đều được trình bày trên đất Malaysia trước đó hai năm, trong buổi lễ bế mạc SEA Games 21. Tuy nhiên, mọi chuyện lần này không diễn ra theo trình tự ấy. Do được đẩy lên sớm hơn dự kiến hai năm để thay Campuchia, các quy tắc được xem là truyền thống vẫn chưa được Việt Nam rốt ráo.

Đầu tiên là ca khúc chính thức. Bài hát "Cùng khắc tên mình vào núi sông" của tác giả Lê Xuân Đức chưa được chốt, dù được Hội đồng giám khảo đánh giá có chất lượng tốt nhất trong các tác phẩm dự thi hồi tháng 8 năm ngoái.

Khi SEA Games chỉ còn 14 tháng nữa khởi tranh, lãnh đạo ngành thể thao vẫn bỏ ngỏ khả năng đặt hàng nhạc sĩ Quang Vinh, người đã rất thành công khi sáng tác bài hát "Vì một thế giới ngày mai" cách đây 18 năm.

Sau bài hát chính thức là logo. Lúc này, ban giám khảo đang nghiêng về hình tượng cánh chim bồ câu cách điệu kết hợp với bàn tay tạo nên chữ V (Việt Nam hoặc Victory - chiến thắng) để dùng chung cho cả SEA Games 31 lẫn Para Games. Linh vật của đại hội nhiều khả năng là sao la, một loài thú quý hiếm của Việt Nam và được ghi vào sách đỏ thế giới. Về khẩu hiệu (slogan), 7 câu đã vào vòng chung khảo. Nhưng ngày chốt cụ thể vẫn chưa xác định.

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là việc Ban Chỉ đạo quốc gia về SEA Games 31 chưa thành lập. Điều này dẫn tới việc các tiểu ban điều hành lễ khai mạc, bế mạc, tài chính hoặc nhà tài trợ... vẫn trong tình trạng "đóng băng".

Một khó khăn khách quan khác là dịch Covid-19, xuất hiện tại Việt Nam từ hồi đầu năm 2020. Suốt hơn nửa năm qua, ngành thể thao chịu nhiều thiệt hại. Và cho tới lúc này, không riêng gì SEA Games 31 mà nhiều mặt khác của đời sống thể thao vẫn trong cảnh vừa tổ chức vừa ngóng dịch bệnh.

Yếu tố lo ngại nhất bây giờ là cơ sở hạ tầng. Ban đầu Việt Nam định chọn TP.HCM làm địa điểm chính đăng cai, nhưng do tại đây không có sân vận động trung tâm nào đủ đáp ứng yêu cầu của đại hội, vì vậy Hà Nội được chọn. Quyết định chính thức được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 11/2019, nhưng sau hơn 10 tháng, khâu khảo sát các công trình vẫn chưa rốt ráo. Thậm chí, Hà Nội còn đang đề nghị chuyển môn tennis sang một tỉnh khác, không xây làng VĐV mà trưng dụng các khách sạn sẵn có trên địa bàn. Ngay cả môn thể thao vua là bóng đá, Hà Nội cũng xin chỉ đăng cai một bảng đấu bóng đá nam, và "đẩy" bảng còn lại lên Việt Trì (Phú Thọ).

SEA Games từng là khao khát tột cùng của ngành thể thao Việt Nam cách đây 20 năm, nhưng giờ, khi đời sống thể thao bão hòa và nhiều môn thi đấu của nước ta đã đặt mục tiêu châu lục, giải đấu được coi là "ao làng" bỗng chốc trở thành một gánh nặng và sức ép lên cả xã hội.

Tới lúc này, có lẽ nhiều người mới thấu hiểu tại sao Philippines lại cố gắng tổ chức một kỳ SEA Games 30 tiết kiệm nhất có thể.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhieu-kho-khan-trong-cong-tac-to-chuc-sea-games-31-d273126.html