SEA Games 30 tổ chức hỗn loạn, Philippines 'tự đốt lưới nhà'

Nhiều tranh cãi diễn ra liên quan đến những cáo buộc chi tiêu bất thường, việc địa điểm thi đấu chưa hoàn thành cũng như việc vận động viên không được đón tiếp và hỗ trợ chu đáo.

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được xem là cách thể hiện khát vọng và tầm nhìn của nước chủ nhà, cũng như là nơi để chuẩn bị cho các vận động viên khu vực tiến tới các giải đấu lớn hơn. Song có vẻ như mọi thứ đang diễn ra không thuận lợi cho chủ nhà năm nay, Philippines.

Công tác tổ chức SEA Games lần thứ 30, khai mạc vào cuối tuần này, đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến những cáo buộc chi tiêu bất thường, việc địa điểm thi đấu chưa hoàn thành cũng như việc vận động viên không được đón tiếp và hỗ trợ chu đáo, theo BBC.

Chưa khai mạc đã bị gọi là "SEA Games thất bại"

Mạng xã hội đã trở nên xôn xao với hình ảnh các vận động viên nước ngoài phải ngủ trên sàn hoặc trên băng ghế sân bay vì thiếu sót hậu cần. Hashtag #SEAGamesFail (SEA Games thất bại) lan truyền rộng rãi.

Hình ảnh các vận động viên tham dự SEA Games 30 tại Philippines ngủ trên sàn được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook/ASEAN Football News.

Hình ảnh các vận động viên tham dự SEA Games 30 tại Philippines ngủ trên sàn được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook/ASEAN Football News.

Trưởng đoàn Singapore Juliana Seow đã viết thư khiếu nại gửi đến ban tổ chức kêu gọi họ giải quyết "vấn đề ăn uống", nói rằng thực phẩm nguội lạnh và thiếu thức ăn halal (không chứa thịt heo) cho các vận động viên Hồi giáo của nước này.

Một đoạn video được quay tại nhà thi đấu vừa được cải tạo ở Manila dường như cho thấy các công nhân đã đặt hai bồn cầu vào trong cùng một phòng. Video này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Tuy nhiên, Ủy ban Thể thao Philippines đã cáo buộc nhà báo Angel Movido của đài ABS-CBN ngụy tạo đoạn video. Họ tuyên bố video đã được quay "từ trước".

Các cáo buộc trong tuần này đã "gây phiền lòng" cho chính phủ Philippines, khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải kêu gọi điều tra ngay khi sự kiện kết thúc.

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức SEA Games là Alan Peter Cayetano, người đồng hành cùng ông Duterte trong cuộc bầu cử năm 2016 và là chủ tịch hạ viện hiện tại.

Ông Cayetano đã xin lỗi vì "sự bất tiện" đối với các vận động viên nhưng lại cho rằng thông tin trên báo chí về sự lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp trong việc tổ chức là làm quá. Ông cũng quy trách nhiệm một phần cho các vấn đề trong việc thông qua ngân sách quốc gia Philippines.

Tranh cãi về SEA Games 30 - sự kiện phải đến ngày 30/11 mới chính thức bắt đầu - nổ ra khi một thượng nghị sĩ phe đối lập đặt câu hỏi về cái mà ông gọi là chi tiêu "quá kinh khủng" cho một tháp đuốc trị giá 900.000 USD.

Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Franklin Drilon cho biết số tiền này đủ để xây khoảng 56 phòng học, thay vì xây dựng một tháp đuốc mà chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ.

Tháp đuốc trị giá gần 1 triệu USD gây tranh cãi. Ảnh: Getty.

Ông Cayetano bảo vệ việc chi nhiều tiền như vậy để xây dựng công trình, gọi đó là "tác phẩm nghệ thuật" trong khi lưu ý rằng Singapore đã chi 1,2 triệu USD cho tháp đuốc của họ khi họ tổ chức SEA Games vào năm 2015.

Tuần này các nhà báo cũng đã phàn nàn về hệ thống đăng ký tác nghiệp hỗn loạn. Phóng viên Howard Johnson của BBC đã gửi hồ sơ đăng ký hơn hai tháng trước nhưng vẫn chưa nhận được thẻ tác nghiệp chính thức, dù anh đã nhận được xác nhận trên màn hình cũng như trong hai email sau đó.

Hôm 27/11, anh đã đến trung tâm báo chí chính ở Manila để giải quyết vấn đề này và được cho biết sự tồn đọng trong quá trình in ấn đã trì hoãn việc cấp thẻ cho anh. Thay vào đó, anh được cấp hai tấm thẻ sử dụng trong ngày để đưa tin trong 2 tuần tới và sẽ cần phải quay lại nơi phát thẻ nếu muốn đưa tin các sự kiện khác.

Vừa thi đấu vừa thi công

Giống như tại Thế vận hội, các trận bóng đá SEA Games đã diễn ra trước lễ khai mạc vì số lượng trận đấu là rất lớn.

Mặc dù đó là một ngày thi đấu, phóng viên BBC thấy công việc xây dựng vẫn đang diễn ra. Đường pitch, khán đài và mặt sân có vẻ tốt, nhưng trong hành lang nơi các đội bước ra trước trận đấu, hai người lao động đang cắt và trải thảm đỏ xuống đất.

Công nhân vẫn thi công tại sân vận động Tưởng niệm Rizal khi trận đấu đang diễn ra. Ảnh: BBC.

Bảng hiệu cho phòng thay đồ của đội tuyển bóng đá quốc gia Philippines được in trên giấy A4 trong khi tam cấp bước lên phòng được phủ bằng bìa các tông.

Đi qua hai cánh cửa, phóng viên BBC bước vào một phòng thay đồ còn đang xây dựng. Dây điện được mắc tạm thời từ trần nhà và các bức tường vẫn ướt xi măng tươi.

Là một thuộc địa cũ của Mỹ, người Philippines có niềm đam mê mãnh liệt với quyền anh và bóng rổ. Ngược lại, đội bóng đá của đất nước, The Azkals (chó đường phố), không được quan tâm.

Song ở những nơi khác tại Đông Nam Á, bóng đá đang phát triển nhanh chóng, với các cầu thủ tuyển quốc gia trở thành ngôi sao trên mạng xã hội. Do đó, hình ảnh của các cầu thủ Timor Leste và Campuchia khổ sở vì sự chậm trễ đã được chia sẻ rộng rãi trong khu vực.

Việc thi công vẫn dang dở tại sân vận động Tưởng niệm Rizal. Ảnh: BBC.

Sau chuyến ghé thăm sân vận động, phóng viên Johnson đã nói chuyện với người phát ngôn của ông Duterte, Salvador Panelo. Ông Paleno nói rằng các vận động viên không có gì phải bận tâm.

"Sự chậm trễ trong việc di chuyển và kiểm tra là bình thường", ông Panelo nói. "Đó là chuyện như cơm bữa ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhưng đối với một số sự cố nhất định, ban tổ chức đã xin lỗi về điều đó và họ đã cam kết sẽ làm tốt hơn vào lần tới".

Ông Panelo cũng nói rằng một số bài viết về các vấn đề chuẩn bị là không chính xác và là "tin vịt".

Vì vậy, liệu SEA Games 30 sẽ giới thiệu được sức mạnh của đất nước, phản ánh đúng sự điều hành của Tổng thống Duterte?

"Không nhất thiết", ông Panelo nói. "Tổng thống đang làm cực kỳ tốt vai trò lãnh đạo của đất nước này, một số thiếu sót (trước sự kiện) không phản ánh về năng lực của tổng thống".

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sea-games-30-to-chuc-hon-loan-philippines-tu-dot-luoi-nha-post1018745.html