Sẽ xuất hiện cơn sốt vaccine đậu mùa khỉ?

Nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ lại xuất hiện tình trạng bất bình đẳng vaccine ngừa đậu mùa khỉ khi các nước giàu đang tích cực mua trữ, giảm cơ hội tiếp cận của các khu vực khác.

Chỉ hơn hai tháng sau khi phát hiện những ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên bên ngoài châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kích hoạt mức cảnh báo cao nhất - xem đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu. WHO khuyến cáo các nước phối hợp ngăn chặn chuỗi lây lan sớm nhất có thể để giảm thiểu mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, trong tình hình cấp bách như vậy, hiện trạng phân phối và tiếp cận vaccine ngừa đậu mùa khỉ vẫn còn nhiều bất cập và nhiều chuyên gia lo ngại diễn biến dễ đi vào vết xe đổ như với vaccine ngừa COVID-19 hồi năm ngoái.

Cho đến thời điểm này, Mỹ là nước đã đặt hàng vaccine ngừa đậu mùa khỉ số lượng nhiều nhất, với 13 triệu liều dự trữ, trong đó khoảng 1,4 triệu liều đang trong quá trình được giao. Mỹ chưa đưa ra lời hứa hay cam kết về việc chia sẻ vaccine ngừa đậu mùa khỉ, theo phát ngôn viên Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Bill Hall.

Các con số đáng báo động

Hãng tin Reuters dẫn thống kê từ WHO cho biết tính đến cuối tháng 7, đợt dịch đậu mùa khỉ đã ảnh hưởng tới khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm vượt mốc 18.000. Khoảng 98% bệnh nhân được ghi nhận ở các nước ngoài châu Phi, trong số này, khu vực châu Âu chiếm phần lớn, đặc biệt trong nhóm đồng giới nam có quan hệ tình dục. Đáng chú ý, xu hướng nhiễm đậu mùa khỉ đang tăng tốc, từ tháng 6 đến tháng 7 tăng 77% bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi. Con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ ở một số nơi còn hạn chế.

Về số ca tử vong, thế giới hiện ghi nhận ít nhất 20 người. Từ ngày 29-7, Tây Ban Nha và Brazil là những nước đầu tiên bên ngoài châu Phi ghi nhận các ca tử vong. Tây Ban Nha vẫn đang kiểm tra tử thi để xác định chính xác cơ chế tử vong. Brazil cho biết ca tử vong ở nước này có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Mỹ cũng nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng với số ca nhiễm được ghi nhận lên gần 5.200 ca, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và New York đang là bang có tỉ lệ nhiễm cao nhất. Thống đốc bang New York Kathy Hochul hôm 30-7 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cam kết sẽ áp dụng các biện pháp kiềm chế lây lan.

Lo ngại tái diễn bất bình đẳng như vaccine COVID-19

Hiện nhiều nước đã triển khai tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ. Các nhà khoa học đang lo ngại sẽ tái diễn bi kịch bất bình đẳng vaccine mà thế giới từng chứng kiến trong đại dịch COVID-19.

Theo TS Boghuma Kabisen Titanji thuộc ĐH Emory (Mỹ), “những sai lầm mà chúng ta thấy trong đại dịch COVID-19 đã và đang được lặp lại”. Ông cho biết hiện nhiều nước giàu đã đặt mua hàng triệu liều vaccine để chặn bệnh đậu mùa khỉ trong nước mình, tuy nhiên chưa nước nào công bố kế hoạch chia sẻ vaccine với châu Phi vốn đang là tâm dịch.

Nhân viên y tế Mỹ chuẩn bị vaccine ngừa đậu mùa khỉ tại một trung tâm y tế thuộc TP Chicago, bang Illinois (Mỹ) ngày 31-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nhân viên y tế Mỹ chuẩn bị vaccine ngừa đậu mùa khỉ tại một trung tâm y tế thuộc TP Chicago, bang Illinois (Mỹ) ngày 31-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Giới chức y tế châu Phi đã chỉ trích tình trạng bất bình đẳng về vaccine trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu, theo tờ The Telegraph. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) Ahmed Ogwell, người dân nhiều nước châu Phi vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ, bất chấp số ca tử vong tại châu lục này cao gấp 15 lần so với các khu vực khác. Ông khẳng định tình hình lúc này không khác gì lúc các nước tranh giành vaccine ngừa COVID-19 hồi năm ngoái.

Hôm 28-7, ACDC đã phát thông báo kêu gọi ưu tiên vaccine ngừa đậu mùa khỉ cho châu Phi, đừng để châu lục này bị bỏ lại phía sau. “Nếu chúng tôi không an toàn, phần còn lại của thế giới sẽ không an toàn” - ông Ahmed Ogwell cảnh báo.

Đừng đi theo vết xe đổ của COVID-19

Giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo sau những bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19, các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần ngăn chặn, không để dịch bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu. Thế giới đang ghi nhận hơn 50 đột biến của virus đậu mùa khỉ, nếu không sớm dập chuỗi lây nhiễm, virus sẽ tiếp tục đột biến và sinh ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, bài học lớn nhất từ đợt dịch COVID-19 là mọi dịch bệnh đều có thể được ngăn chặn nhờ các chiến lược phù hợp và cơ chế phối hợp chia sẻ vaccine nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu. Ông khẳng định rằng “ưu tiên tiêm chủng đúng đối tượng sẽ là cách hiệu quả nhất để cứu sống, bảo vệ hệ thống y tế và mở cửa xã hội và nền kinh tế”.

Giới chuyên gia kỳ vọng sẽ có một cơ chế chia sẻ vaccine như COVAX, được WHO và đối tác lập vào năm 2020 cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo, sẽ được lập với dịch đậu mùa khỉ. TS Ingrid Katz thuộc ĐH Harvard (Mỹ) tin tưởng rằng dịch đậu mùa khỉ “có thể kiểm soát được” nếu vaccine được phân phối thích hợp.•

Phát hiện triệu chứng mới của bệnh đậu mùa khỉ

Một báo cáo về bệnh đậu mùa khỉ do tổ chức nghiên cứu Guy’s and St Thomas ‘NHS Foundation Trust trực thuộc Cơ quan Y tế quốc gia Anh công bố mới đây chỉ ra hai triệu chứng mới phát hiện ở người nhiễm bệnh là sưng dương vật và đau trực tràng, theo trang tin New Scientist.

Cụ thể, trong 200 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, 71 người bị đau trực tràng và 31 người bị sưng dương vật. 20 bệnh nhân đã phải nhập viện để kiểm soát các triệu chứng, trong đó tám người có biểu hiện đau hậu môn hoặc trực tràng, năm người bị sưng dương vật.

Tất cả bệnh nhân đều có một số dạng tổn thương trên da hoặc niêm mạc, như ở miệng hoặc bộ phận sinh dục. Thông thường, đậu mùa khỉ thường gây ra các loại phát ban giống thủy đậu lan rộng, tiến triển thành mụn nước chứa đầy dịch và cuối cùng đóng vảy. Chín người trong đó cũng bị sưng amidan - một triệu chứng không điển hình khác của bệnh đậu mùa khỉ.

Nhóm nghiên cứu cho biết cần thêm thời gian để xác định rõ thêm và đưa triệu chứng mới vào danh sách chính thức, song nhiều chuyên gia cảnh báo không nên bỏ qua những dấu hiệu này. Nếu biết về dấu hiệu và các triệu chứng, bác sĩ có thể phân loại, chẩn đoán người bệnh và xét nghiệm cho họ sớm hơn.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/se-xuat-hien-con-sot-vaccine-dau-mua-khi-post691887.html