Sẽ xuất 1 nghìn tấn vải thiều sang Nhật

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) một số tỉnh cho biết, trong bối cảnh thị trường trong nước tiêu thụ chậm, các địa phương đang dồn sức tập trung cho xuất khẩu.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Giang cho biết, sau chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực thu mua vải, với mục tiêu xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều sang thị trường này.

Ngoài ra, các đơn vị của tỉnh cũng đang huy động, kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ trên các kênh siêu thị. Riêng Siêu thị Co.opmart Bắc Giang, mặc dù nằm trong thế trận “phong tỏa” của tâm dịch, tính đến ngày 30/5 cũng đã tiêu thụ được 2 tấn vải sớm và đặt mục tiêu tiêu thụ trên toàn hệ thống từ 400-500 tấn.

Dự kiến sẽ có khoảng 1000 tấn vải thiều Bắc Giang tiếp tục đặt chân đến Nhật Bản

Dự kiến sẽ có khoảng 1000 tấn vải thiều Bắc Giang tiếp tục đặt chân đến Nhật Bản

Còn tập đoàn Central Retail vừa thông báo, ngày 31/5 đã chính thức đưa vải thiều Bắc Giang lên kệ phủ sóng các hệ thống trên cả nước, với kế hoạch tiêu thụ từ 1-2 nghìn tấn vải. Các chuỗi hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+ cũng cam kết tiêu thụ khoảng 2 nghìn tấn vải thiều, tăng gấp đôi số lượng so với dự kiến ban đầu.

"Đây là đều là những tín hiệu rất mừng cho nông sản của tỉnh trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay”, ông Thành cho hay.

"Cái khó ló cái khôn"

Bà Quàng Thị Thoong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 78.000 ha cây ăn quả như xoài, chuối, nhãn, mận...bước vào vụ thu hoạch, với sản lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn.

Trước đây, cứ vào chính vụ, các đội xe của doanh nghiệp và đầu mối thu mua nông sản từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi lên rất tấp nập, kín các cung đường. Nhưng năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các xe khách hầu như tạm dừng nên việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Giá một số loại nông sản bắt đầu có xu hướng giảm.

Theo bà Thoong, trước tình hình trên, Sơn La đã triển khai một số biện pháp để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Chẳng hạn, tỉnh vừa phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đưa một số nông sản lên sàn thương mại điện tử để phân phối tại thị trường Hà Nội và TP HCM, như xoài Yên Châu, mận Mai Sơn, Tà Lọng

Người dân Sơn La thu hoạch xoài để chuẩn bị xuất khẩu

Đối với vận chuyển, các huyện, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều thành lập đội xe riêng. Những lái xe được ưu tiên xét nghiệm và tiêm phòng vắc xin COVID-19, đảm bảo không tiếp xúc với người lại trong quá trình lưu thông.

Bà Phạm Thị Ảnh, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp Đảo Ngọc (Mường La, Sơn La) cho biết, trong “cái khó ló cái khôn”, khi sức thị trường tiêu thụ trong nước kém, nông sản huyện không nằm chờ các thương lái đến thu mua như trước mà tìm hướng đến xuất khẩu. Các hợp tác xã (HTX) đã chủ động, xoay sở đủ cách để liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để kết nối, giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, vừa qua, hơn 60 tấn xoài đầu tiên của huyện Mường La được xuất sang Trung Quốc, và các HTX trên địa bàn đang tìm thêm các đầu mối xuất sang Nhật Bản, Úc…

Bộ NN&PTNT cho biết, bước vào quý 2/2021 là thời điểm nắng nóng nên các loại trái cây, rau củ tươi được tiêu thụ khá mạnh. Một số loại trái cây mùa hè bắt đầu vào vụ thu hoạch như mận, xoài Sơn La, vải U hồng, thanh long ruột đỏ... Tuy nhiên, giá trái cây không đồng đều, ở khu vực phía Bắc, giá duy trì ổn định, trong khi đó các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sự biến động. Một số nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua giảm khiến giảm giá mạnh như tiêu, sắn, hành tím…

Trước tình hình trên, bộ đang phối hợp với bộ Công thương tổ chức một số chương trình hỗ trợ các tỉnh có sản lượng nông sản lớn quảng bá trên các kênh thương mại điện tử, và kết nối với các DN xuất khẩu. Bộ vừa yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát, và tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng, đặc biệt là các địa phương chuẩn bị vào vụ thu hoạch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID- 19, đồng thời xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Xuất khẩu gần 23 tỷ USD nông sản trong 5 tháng đầu năm

Bộ NN&PTNT cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,83 tỷ USD (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái); nhập khẩu đạt khoảng 19,57 tỷ USD (tăng 51,0%).

Riêng trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn tỷ 5 USD hàng nông, lâm, thủy sản (tăng 40,2% so với tháng 5/2020), trong đó các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD,…4 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/se-xuat-1-nghin-tan-vai-thieu-sang-nhat-post1342073.tpo