Sẽ xử phạt người bán thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Từ ngày 20-10-2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực. Trong đó có quy định người bán thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng…

Người bán hàng trước cổng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) dùng tay trần bán thức ăn cho học sinh. Ảnh: NG.HẬU

Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Sở Y tế cho biết việc xử phạt đối với người bán thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín nhằm mục đích hạn chế tối đa trường hợp người sử dụng thức ăn bị nhiễm vi sinh vật từ tay người bán.

Đồng Nai sẽ có lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị định 115/2018/NĐ-CP cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phòng y tế, trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Đây được xem là lực lượng chính trong việc xử lý vi phạm.

Dự kiến từ tháng 1-2019, Đồng Nai sẽ thực hiện thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở huyện, xã. Đây sẽ là lực lượng có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo bác sĩ Hữu, lâu nay phần lớn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thường mắc lỗi vi phạm này. Về mặt an toàn thực phẩm, người bán thức ăn không sử dụng găng tay mà cầm trực tiếp thực phẩm chín sẽ không đảm bảo vệ sinh. Chính vì vậy, trước đây Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố như sau: người bán hàng ăn phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Thế nhưng, vì trong thực tế người bán và khách ăn còn xem nhẹ ATVSTP nên tình trạng này vẫn còn tồn tại, mặc dù ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Do đó, các trường hợp vi phạm bị xử lý theo hướng tăng mức xử phạt như Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định là hợp lý. Tuy nhên, nhiều nội dung trong nghị định chưa nêu chi tiết hình thức vi phạm cụ thể nên có thể trong quá trình triển khai thực hiện cơ quan chức năng sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, trước khi áp dụng mức xử phạt theo quy định mới, cơ quan chuyên trách và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về ATVSTP đến các đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh ăn uống, người chế biến thực phẩm cũng như phổ biến rộng rãi đến khu vực dân cư để người dân nhận thức đầy đủ về ATVSTP là hết sức cần thiết.

Kim Liễu

Bà Trịnh Thị Thảo Lan (KP.2, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa):
“Đeo găng tay nhưng không đảm bảo vệ sinh cũng nên xử phạt “

Người bán hàng ăn có đeo găng tay nhưng lại cầm tiền và những đồ vật khác là hình ảnh rất thường thấy tại các điểm bán thức ăn. Điều này cho thấy một số người đeo găng tay chỉ là hình thức chứ không thật sự đảm bảo vệ sinh. Chính vì vậy, theo tôi ngoài những người bán hàng ăn không đeo găng tay bị xử phạt thì trường hợp có đeo nhưng chủ yếu để đối phó cũng phải xử lý. Mặt khác, ở các cửa hàng, quán ăn hầu hết thực khách chỉ thấy những món ăn đã được chế biến sẵn, còn nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc như thế nào, sử dụng phụ liệu ra sao hầu như phụ thuộc vào lương tâm của người bán. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra nguyên liệu đầu vào, môi trường bảo quản, điều kiện chế biến, khu vực bếp núc… ở các hàng quán. Bởi thức ăn sau chế biến vẫn sẽ không thể sạch nếu được làm từ nguồn thực phẩm bẩn, không an toàn.

Ông Võ Đức Duy (ấp Bình Lâm, xã Lộc An, huyện Long Thành):
“Đồng tình, ủng hộ các quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP”

Tôi thường xuyên theo dõi trên báo, đài và thỉnh thoảng nghe thông tin cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm bẩn cùng một số trường hợp bị ngộ độc thức ăn nên rất lo ngại. Do điều kiện làm việc nên gia đình tôi thường hay mua thức ăn chế biến sẵn, hoặc dùng bữa tại các quán ăn. Nhưng trước tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhiều nơi, gia đình tôi thật sự không yên tâm. Nhiều hôm vào tiệm ăn thấy chủ quán dùng tay trần vừa mới ẵm chó, mèo xong vẫn lấy thức ăn bán cho khách mà phát hoảng. Đây là hành vi phải xử phạt để răn đe những người không có ý thức khi bán hàng cho khách ăn mà không đảm bảo vệ sinh, gây nhiễm bẩn thực phẩm. Việc xử phạt hành vi không đeo găng tay khi bán thức ăn theo tôi là cần thiết, để qua đó xã hội ngày càng tiến bộ hơn khi các hàng quán đều đảm bảo thức ăn đến tay thực khách được an toàn.

Thầy Đỗ Viết Hưng (Hiệu trưởng Trường tiểu học
Hoàng Hoa Thám, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất):

“Quán ăn trước cổng trường không kiểm soát được”

Tình trạng buôn bán hàng ăn trước cổng trường lâu nay khiến bản thân tôi rất bức xúc. Người bán thức ăn cho học sinh không đeo găng tay mà bốc thức ăn bằng tay trần, cộng thêm những món ăn ngay đó được chế biến như thế nào không kiểm soát được nên rất dễ làm ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh, thậm chí có thể gây ngộ độc. Hàng quán phía trước trường bán nhiều loại thức ăn như: bánh tráng trộn, cá viên bò viên chiên… song không được che đậy bảo quản. Nhà trường cũng đã nhắc nhở học sinh không mua thức ăn bên ngoài trường, đồng thời đề nghị UBND xã hỗ trợ xử lý tình trạng quán ăn trước cổng trường. Tuy nhiên, sau những lần chính quyền địa phương tổ chức ngăn chặn việc bán đồ ăn ở những nơi không được phép thì mọi chuyện lại như cũ. Tôi nghĩ rằng Nghị định 115/2018/NĐ-CP là cơ sở để lập lại trật tự việc bán quán ăn đảm bảo ATVSTP, nhưng nếu cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra thì nghị định khó lòng đi vào cuộc sống.

Gia An - Nguyễn Hậu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201810/se-xu-phat-nguoi-ban-thuc-an-khong-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-2915853/