Sẽ xử lý theo hình thức nào?

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi được các đại biểu Quốc hội quan tâm đưa ra rất nhiều ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật với mong muốn đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh PCTN hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Một trong những điểm mới của Luật PCTN (sửa đổi) được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý.

Có 2 phương án. Phương án 1: Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Tranh minh họa

Đối với phương án 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Theo đại biểu Lê Thị Thủy – Hải Dương: Qua thảo luận ở tổ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân và các chuyên gia thì thấy còn có ý kiến khác nhau nhưng có một điểm giống nhau là cần phải có một cơ chế có hiệu quả hơn để xử lý hành vi kê khai tài sản không trung thực và xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm nhưng không giải trình được một cách hợp lý.

Còn theo đại biểu Bế Minh Đức - Cao Bằng: Tôi đồng tình với đề xuất theo hướng thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai nhưng không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Việc xử lý theo phương án này cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay đồng thời thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xử lý thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có đủ bằng chứng về căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Đây là một khoản thu nhập không rõ nguồn gốc, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Đỗ Văn Bình - TP Hải Phòng đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng quy định về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc xây dựng các quy định này cần phải được nghiên cứu, xem xét đảm bảo các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Điều 59 dự thảo luật đưa ra 2 phương án, trong cả 2 phương án thì yếu tố đầu tiên là phải có kết luận tài sản thu nhập thực tế tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Phương án 2 thì ngoài việc phải có kết luận giải trình không hợp lý của người kê khai thì hiện nay như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nêu là chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tham nhũng. Muốn thực hiện phương án này trước hết phải chờ sửa đổi, bổ sung luật.

Theo phương án 1 thì trước hết phải làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý, hiện nay trong điều kiện tài sản của mỗi người được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời do yếu tố tập quán tâm lý hoặc có lý do riêng mà nhiều người không muốn hoặc không công khai về tài sản và nguồn gốc tài sản. Việc giải trình tài sản thu nhập trong nhiều trường hợp sẽ khó đi đến thống nhất giữa người giải trình và cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lý hoặc không hợp lý của tài sản. Do vậy, nhiều khả năng dẫn đến việc tranh luận, thậm chí khiếu nại kéo dài.

Mặt khác, cứ cho là cơ quan có thẩm quyền đã kết luận được là người kê khai giải trình không hợp lý, nghĩa là người kê khai lúc này không có cơ sở để khẳng định quyền sở hữu đối với tài sản và cũng có thể tài sản này do tham nhũng mà có thì ngay trong Điều 59 lại quy định thực hiện việc đánh thuế thu nhập đối với người kê khai, nghĩa là coi tài sản trên là khoản thu nhập phát sinh của người kê khai. “Điều này dường như mâu thuẫn với sự cố gắng chứng minh của cơ quan có thẩm quyền về giải trình của người kê khai là không hợp lý, vì chứng minh xong thì lại coi tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý như khoản thu nhập phát sinh của người kê khai để thực hiện việc đánh thuế.

Còn nếu coi là khoản thu nhập phát sinh thì thực hiện việc đánh thuế theo quy định có cần nhất thiết phải quy định thêm 1 điều ở luật này? Đồng thời, khi thực hiện việc đánh thuế cũng cần phải lí giải làm rõ cơ sở của việc đánh thuế đối với loại tài sản mà lúc này được coi như khoản thu nhập phát sinh của người kê khai với mức lên đến 45%”, đại biểu Đỗ Văn Bình nói.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/se-xu-ly-theo-hinh-thuc-nao-74950.html