Sẽ xử lý dứt điểm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm rõ rệt và dự kiến sẽ được xử lý dứt điểm, theo thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội tuần qua.Một số trường hợp sở hữu vượt quá đang tìm đối tác để tiếp tục thoái vốn...

Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần qua.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp xử lý sở hữu chéo trong hệ thống, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hiện các mối sở hữu này đã giảm đáng kể dù chưa dứt điểm.

Sau 6 năm, hiện nay số cặp sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm rất mạnh, từ 56 cặp cách đây 6 năm xuống còn 2. Và tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn 1 ngân hàng, so với con số 19 nhà băng cách đây 6 năm.

"Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào tìm đối tác và thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn Nhà nước", Thống đốc nói.

Theo đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, trong đó từng ngân hàng sẽ xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, Thống đốc Lê Minh Hưng hứa, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý dứt điểm.

Về nội dung này, vừa qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã lần lượt tổ chức thoái vốn tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Quân đội (MB). Tuy nhiên, hai cuộc đấu giá đều không thành công do thiếu vắng nhà đầu tư tham gia.

Được biết, Vietcombank sẽ tìm kiếm các đối tác tiềm năng và sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá, thoái vốn tại MB và Eximbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo giới hạn quy định.

Nhật Nam

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/se-xu-ly-dut-diem-so-huu-cheo-trong-he-thong-ngan-hang-20181103120730657.htm