Sẽ xóa hẳn mô hình giết mổ gia súc 'chui'

Để thực hiện được phương án trên, tỉnh Hà Tĩnh đang xây dựng kịch bản 'tổ chức, cá nhân vi phạm lĩnh vực thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở địa bàn xã nào thì xã đó xử lý', tránh trình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Khép kín các khâu xử lý vi phạm

Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 39 cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Trung bình 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ trâu bò giết mổ tại các lò đạt 83%; lợn 70%. Như vậy, vẫn còn 17% tỷ lệ trâu bò và 30% lợn đang giết mổ “chui”. Vấn nạn này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm, tập trung ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc, Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh…

 Xóa bỏ triệt để giết mổ gia súc “chui” là giải pháp hàng đầu ngăn dịch lả lợn Châu Phi lan rộng.

Xóa bỏ triệt để giết mổ gia súc “chui” là giải pháp hàng đầu ngăn dịch lả lợn Châu Phi lan rộng.

“Chúng tôi thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra, chỉ đạo các huyện, xã xử lý dứt điểm tồn tại này nhưng thực tế do sự cả nể ở các địa phương nên chế tài xử phạt hầu hết vẫn là… nhắc nhở, không đủ sức răn đe. Vì vậy, đơn vị đang tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh ban hành giải pháp xóa triệt để tình trạng giết mổ gia súc “chui” theo phương châm “khép kín từng khâu xử lý vi phạm”, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân”, ông Trần Quang Tiến, Trưởng phòng Quản lý Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) nói.

Ông Tiến phân tích, trước đây, mỗi khi phát hiện tổ chức, các nhân vi phạm lĩnh vực thú y chính quyền địa phương thường tìm cách né trách, đùn đẩy trách nhiệm, đưa ra đủ các lý do để không phải xử phạt. Tuy nhiên, bây giờ khâu giết mổ, vận chuyển, buôn bán thịt vi phạm ở đâu thì chính quyền ở xã đó phải xử lý.

Ví dụ: Hộ ông A, ở xã B giết mổ “chui” một con lợn thì chính quyền xã B phải trực tiếp xử phạt; trường hợp xã không bắt được quả tang thì báo cáo với huyện để phối hợp địa phương khác bắt trên đường vận chuyển; quá trình vận chuyển không bắt được thì phối hợp Ban quản lý chợ xử lý ở khu vực buôn bán thịt.

“Nói tóm lại, chúng tôi sẽ chặn triệt để lợn giết ngoài lò mổ ra thị trường. Bởi đây là nhóm nguy cơ đứng đầu phát tán, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm và gây mất ATVSTP”, ông Tiến nhấn mạnh thêm.

Việc “cắt rốn” từng hành vi vi phạm trong kinh doanh lợn, sản phẩm thịt lợn là chế tài xử phạt hữu hiệu nhất huyện Nghi Xuân đã và đang thực hiện. Số liệu phòng nông nghiệp huyện này cung cấp cho thấy, từ tháng 5/2019 đến nay Nghi Xuân đã bắt giữ, tiêu hủy hàng chục con lợn và nhiều sản phẩm thịt nhập ngoại tỉnh về không có giấy tờ hợp lệ.

Đơn cử, ngày 28/5/2018 chính quyền xã Xuân Mỹ và các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ 5 con lợn (trọng lượng 62kg) vận chuyển từ vùng dịch tả lợn Châu Phi huyện Nam Đàn – Nghệ An, không có các giấy tờ kiểm dịch về xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân để tiêu thụ.

Sau khi bắt giữ, toàn bộ số lợn trên được tiêu hủy đúng quy định. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với ông Trần Bá Chiến, huyện Nam Đàn số tiền 4 triệu đồng. Đến ngày 31/5, lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân tiếp tục tịch thu 5 con lợn của bà Thái Thị Thanh, trú xã Nam Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An khi đang bán tại thôn Yên Ngọc, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân. Tiến hành xử phạt hành chính hộ bà Thanh 4 triệu đồng do vi phạm lĩnh vực thú y và tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.

Phân cấp trách nhiệm

Ngoài siết chặt hoạt động kinh doanh, giết mổ, sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đưa vào địa bàn Hà Tĩnh cũng được kiểm tra ngặt nghèo với sự tham gia của đoàn liên ngành: Sở NN-PTNT, Công an, chính quyền các địa phương. Đây là phương án góp phần đảm bảo đầu vào “sạch” cho 60 cơ sở chế biến giò, chả trên địa bàn toàn tỉnh.

Hà Tĩnh đang xây dựng chế tài khép kín khâu xử lý vi phạm từ giết mổ, vận chuyển đến kinh doanh tại sạp thịt.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh), bình quân mỗi tháng các cơ sở giò, chả sản xuất trên dưới 120 tấn thịt lợn. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 51 mẫu giò, chả để kiểm tra các chỉ tiêu ATVSTP. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng, phát hiện, buộc tiêu hủy 420kg nguyên liệu và 200kg thịt lợn không được kiểm soát vệ sinh thú y; xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng.

Mới đây, để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đảm bảo ATVSTP, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 32, ngày 14/6/2019, phân cấp cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng sở ban ngành, địa phương trên địa bàn.

“Nếu như trước đây, quyết định chỉ phân cấp trách nhiệm đến Sở NN-PTNT thì nay, giải pháp được cụ thể hóa đến các Chi cục, đơn vị, trực thuộc Sở.

Ví dụ: Lĩnh vực chăn nuôi, thú y giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y; lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản giao cho Chi cục Thủy sản; lĩnh vực trồng trọt, BVTV giao cho Chi cục Trồng trọt và BVTV. Hay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận giao cho các Chi cục chuyên ngành… Việc phân cấp này là để tránh “đá bóng” trách nhiệm khi có sự cố xảy ra”, ông Phan Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Tĩnh nhấn mạnh.

THANH NGA – QUANG BỬU

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/se-xoa-han-mo-hinh-giet-mo-gia-suc-chui-post247682.html