Sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn

Theo Bộ Tài chính, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Vận chuyển nước ngọt cho người dân vùng nhiễm mặn.

Vận chuyển nước ngọt cho người dân vùng nhiễm mặn.

Đã chi 530 tỷ đồng cho 8 địa phương

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 diễn ra khốc liệt trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ở mức nghiêm trọng nhất lịch sử, khác với quy luật nhiều năm: xuất hiện sớm hơn, xâm nhập sâu hơn, cường độ mặn cao hơn và thời gian kéo dài hơn cả đợt xâm nhập mặn năm 2016. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, trong đó 5 tỉnh là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai. Dự báo thời gian tới, nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp nền sản xuất nông nghiệp, nhất là các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai nhất là ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trích dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ 8 địa phương khu vực này phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, với số tiền là 530 tỷ đồng.

Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ nêu trên, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để triển khai khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đúng quy định, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hàng năm, dự phòng NSNN, quỹ dự trữ tài chính. NSNN cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định.

Các địa phương phải chủ động từ nhiều nguồn

Năm nay, chi NSNN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Qua 9 tháng năm 2020, NSNN đã chi 17,49 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19; trong khi đó, tình hình thiên tai, bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, cần thêm nguồn chi cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả ở các địa phương bị ảnh hưởng.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 8 địa phương được hỗ trợ phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gồm: Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ nhằm giúp các địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước; nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Để đảm bảo cân đối ngân sách như kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương sử dụng nguồn dự phòng, tiết kiệm tuyệt đối để đảm bảo trước mắt phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như dành cho phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai ở khu vực miền núi phía Bắc.

Tại Chỉ thị số 35/CT-TTg về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai được ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn lực thiếu nên NSNN chủ yếu tập trung cho công tác ứng phó thiên tai và hỗ trợ một phần cho khắc phục hậu quả, nhiều hoạt động phòng chống thiên tai còn chưa được thực hiện.

Ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, do phải tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nên cũng đã ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi cho phòng, chống thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn. Bởi dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của các địa phương, mà còn gây khó khăn cho thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có nhiệm vụ chi cho phòng, chống thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo ông Võ Thành Hưng, hiện nay vẫn còn vướng quy định liên quan đến vấn đề này (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì). Thời gian tới, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc làm việc trực tiếp với các tỉnh miền Tây Nam Bộ để tháo gỡ vướng mắc. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương gặp khó khăn để phòng chống thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-07/se-tiep-tuc-ho-tro-cac-dia-phuong-gap-kho-khan-93131.aspx