Sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình thủ tục

Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh theo hướng cắt giảm, đơn giản các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan. Đây là giải pháp để tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thủy An (Cục Hải quan Thừa Thiên Huế). Ảnh: N.Linh

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thủy An (Cục Hải quan Thừa Thiên Huế). Ảnh: N.Linh

Bãi bỏ quy định nộp các chứng từ không cần thiết

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Trần Đức Hùng cho biết, trong 6 tháng cuối năm ngành Hải quan tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để đơn giản hóa bộ hồ sơ hải quan, cách thức nộp hồ sơ hải quan.

Cụ thể sẽ bãi bỏ quy định nộp các chứng từ không cần thiết, các chứng từ đã có trên Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành hoặc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; hạn chế việc nộp các chứng từ dưới dạng bản chính là bản giấy; chỉ yêu cầu nộp, xuất trình lần đầu đối với các chứng từ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ cắt giảm, đơn giản hóa các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan như: Không yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến nếu đã thực hiện được trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; rà soát, bãi bỏ việc đề xuất và phê duyệt miễn thuế trong thông quan đối với từng tờ khai hải quan của loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu trong quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế; đơn giản hóa việc bàn giao hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan trong trường hợp việc bàn giao được thực hiện trong cùng một chi cục hải quan trên cơ sở đảm bảo quản lý chặt chẽ, phù hợp với đặc thù địa bàn quản lý của chi cục.

Lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng thông tin, để rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị như máy soi container, thiết bị giám sát hành trình, niêm phong điện tử, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng, an toàn thực phẩm để hỗ trợ công chức trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra thực tế hàng hóa; cắt giảm các trường hợp phải lấy mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn.

Song song, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền giảm tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan Hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng và đã nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng bị ấn định trước ngày 1/3/2020 nhưng còn nợ tiền chậm nộp.

Nâng cao thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành khi giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo cục hải quan các tỉnh có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp tục duy trì các giải pháp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa, tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Triển khai hiệu quả các cam kết trong các FTA

Phó Cục trưởng Trần Đức Hùng cho biết, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ trong các Hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Chẳng hạn như đề xuất triển khai cơ chế cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ dưới dạng dữ liệu điện tử đảm bảo tính liên thông giữa cơ quan cấp của nước xuất khẩu với cơ quan Hải quan nước nhập khẩu trong quá trình tham gia đàm phán hoặc tại các cuộc họp thường kỳ song phương, đa phương.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán và triển khai cơ chế thừa nhận kết quả kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật giữa các quốc gia trên cơ sở tuân thủ các nội dung cam kết của Hiệp định.

Đặc biệt, thực hiện thống nhất mã số HS hàng hóa xuất nhập khẩu (danh mục hàng hóa, mã hồ sơ) phù hợp với các nước khác, nhất là khối EU để giảm bớt khó khăn khi áp mã thuế, đảm bảo kiểm soát được việc kê khai thống nhất.

Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng tiếp tục được Tổng cục Hải quan triển khai là đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách, văn bản pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo quá trình thực thi hiệu quả.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/se-tiep-tuc-cat-giam-don-gian-hoa-nhieu-khau-trong-quy-trinh-thu-tuc-130108.html