Sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 thứ 2 vào tuần tới

Nhóm nghiên cứu sản xuất Covivac - vắc xin phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam cho biết đã sẵn sàng cho việc tiêm thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/3 tới.

Hiện nay những lọ vắc xin phòng COVID-19 có tên Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển đã được chuyển đến bảo quản tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Theo dự kiến, ngày 15/3, Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 vắc xin Covivac tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu gồm 120 người khỏe mạnh, độ tuổi 18 - 59 tuổi, được tiêm 2 mũi/0,5ml (tiêm vắc xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

Đây là loại vắc xin phòng COVID-19 "made in Vietnam" thứ 2 tại nước ta được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng (sau Nano Covax của công ty Nanogen hiện đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 2).

Liên quan đến thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax, đại diện Học viện Quân y cho biết sau 12 ngày, Việt Nam đã hoàn tất tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2 vắc xin này cho 560 tình nguyện viên.

Trong số này, có 80 người được tiêm giả dược, 105 tình nguyện viên là người cao tuổi trên 60, tình nguyện viên cao tuổi nhất là 76 tuổi. 375 tình nguyện còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.

Ở giai đoạn 2, vắc xin Nano Covax được thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An do Viện Pasteur TPHCM thực hiện, mỗi đơn vị tiêm cho 280 tình nguyện viên.

Hiện sức khỏe tất cả các tình nguyện viên đều ổn định. Sau tiêm, tình nguyện viên sẽ được lấy máu xét nghiệm kháng thể vào ngày thứ 28, 34, 42, 3 tháng và 6 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.

Đà Nẵng tiếp nhận 100 liều vắc-xin ngừa COVID-19

Sáng nay (11/3), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC) đã tiếp nhận 100 liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên.

Số vắc xin này mang tên AstraZenceca đựng trong 10 hộp, được Trung tâm Tiêm chủng Đà Nẵng (VNVC Đà Nẵng) tiếp nhận từ Bộ Y tế và bàn giao lại cho CDC.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết lô vắc xin này sẽ được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ông cũng thông tin thêm 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng sẽ là những người tiêm đầu tiên.

Hai bà bầu là F1 của mẹ con người Hải Phòng mắc COVID-19

Tối 10/3, Tổ phản ứng nhanh về Phòng chống COVID-19 TP Hải Phòng thông tin, đã xác định 5 F1 và 35 trường hợp F2 liên quan ca dương tính SARS-CoV-2 mới. Trong số đó, 3 trường hợp được cách ly tại Bệnh viện Việt Tiệp, còn 2 bà bầu được cách ly tại nhà riêng.

Theo bà Phạm Thu Xanh – Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh về phòng chống COVID-19 TP Hải Phòng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về 2 ca dương tính SARS-CoV-2 ngành y tế đã khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Sau vài giờ thực hiện, liên ngành đã truy vết được 5 F1 và 35 trường hợp F2 liên quan tới 2 ca bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngay đối với 5 trường hợp F1.

5 trường hợp là F1 hiện sức khỏe đều ổn định, không có biểu hiện ho sốt, khó thở. Trong số này, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm, chuyển 3 trường hợp F1 cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cơ sở 2. Hai trường hợp là F1 còn lại là phụ nữ mang thai nên được cách ly tại nhà riêng.

BCĐ Phòng chống COVID-19 quận Lê Chân, Phòng Y tế và TTYT quận Lê Chân đã khẩn cấp phong tỏa địa chỉ 184 Nguyễn Công Trứ. Đồng thời, tổ chức truy vết những người liên quan.

Trước đó, chiều muộn cùng ngày, Sở Y tế TP Hải Phòng nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội về 2 ca dương tính SARS-CoV-2.

Đó là bà N.T.L.H (SN 1979) và con là T.H (SN 2003). Qua khai thác thông tin từ ông N.T.L (SN 1975), ngày 25/2, em gái ông là bà N.T.L.H cùng 2 con tới nhà chơi tại số 184 Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.

Ngày 26/2, bà H và con lên Hà Nội xét nghiệm SARS-CoV-2, kết quả âm tính. Đến ngày 28/2, bà H cùng con bay sang Úc, có quá cảnh Singapore và đến Úc ngày 1/3.

Ngày 2/3, con bà L.T.L.H có kết quả xét nghiệm dương tính yếu.

Ngày 3/3, con bà L.T.L.H có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ngày 6/3, bà L.T.L.H có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2.

Bộ Y tế thông tin về tình hình các ca mắc COVID-19 nặng nhất

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 11/3, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.004 bệnh nhân COVID-19.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 48 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 42 ca, số ca âm tính lần 3 là 118 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, bệnh nhân đã dừng ECMO 13 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.

Bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định.

Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.

Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe dọa tính mạng...

Dù vậy bệnh nhân đã tự ăn gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa (qua ống thông), có hỗ trợ truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch 20%.

BN1536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đồng thời bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Hệ thống tiêm chủng vắc xin của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn. Thứ hai, để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế đã yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khỏe. Việc này vừa giúp ngành Y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm. "Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vắc xin, quản lý toàn bộ bằng QR code", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trước đó, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất- tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Sáng ngày 8/3, những mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm đồng loạt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW. Các nhân viên y tế tham gia chống dịch là những người tiêm đầu tiên.

Vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng vắc xin đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắc xin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.

Quảng Bình: Chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19

Ngày 11/3, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình vừa có chỉ đạo các đơn vị liên quan lên kế hoạch triển khai việc tiêm chủng vắc xin phòng dịch COVID – 19 trên địa bàn.

Theo đó, Sở Y tế sẽ chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan lên kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng dịch COVID – 19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải được hoàn thành trước 15/3 và tuyên truyền để nhân dân, cộng đồng về đối tượng được tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19.

Để đảm bảo an toàn hiệu quả, việc triển khai tiêm vắc xin phải có kế hoạch theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có trong quá trình triển khai việc tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai tiêm chủng vắc xin COVID – 19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID – 19.

Nguyễn Hoàn - Thuận Phương - Quảng An - Hoàng Nam - Hà Minh-Thanh Trần

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/cap-nhat-ngay-113-se-tiem-thu-nghiem-vac-xin-ngua-covid19-thu-2-vao-tuan-toi-1804807.tpo