Sẽ thu hẹp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

(HQ Online)- Chốt phương án quy định về quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN, trong giải trình mới đây của Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật NSNN sửa đổi), trên cơ sở các điều kiện Luật định, giao Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách và khi đó phạm vi hoạt động của các quỹ sẽ thu hẹp hơn, bảo đảm NSNN là thống nhất.

Nước ta hiện có khoảng 40 quỹ/loại quỹ tài chính Nhà nước đã được thành lập ở Trung ương và địa phương. Ảnh Internet.

Trước đó, có nhiều ý kiến các đại biểu Quốc hội đồng ý có quỹ ngoài ngân sách, song cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của NSNN, tránh sự chồng chéo trong quản lý. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định về các quỹ theo Luật Khoa học công nghệ và một số luật chuyên ngành.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính (Cơ quan soạn thảo dự án luật) đã thống nhất tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, theo các cơ quan này, quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại nhiều luật và nghị định có tính chất chuyên ngành nên với phạm vi điều chỉnh đặc thù, Luật NSNN chỉ quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp NSNN và điều kiện để NSNN hỗ trợ cho các quỹ nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ ngoài ngân sách, chấn chỉnh hoạt động của các quỹ hiện nay.

Như vậy, trên cơ sở các điều kiện Luật định, giao Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách và khi đó phạm vi hoạt động của các quỹ sẽ thu hẹp hơn, bảo đảm NSNN là thống nhất.

Đồng thời, bổ sung các quy định về nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động của các quỹ ngoài ngân sách cho Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền; thực hiện công tác thanh tra, kiểm toán các quỹ, công khai thu, chi của quỹ.

Theo đó, để quản lý chặt chẽ các quỹ ngoài ngân sách, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) quy định: “NSNN không cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Nhà nước chỉ cấp hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ ngoài ngân sách phù hợp với khả năng của NSNN khi quỹ đáp ứng đủ các điều kiện sau: Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; Có khả năng tài chính độc lập; Có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN. Các Quỹ được thành lập theo các Luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định về quản lý ngân sách của Luật này và pháp luật có liên quan”.

Ở nước ta hiện nay, theo tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính, có khoảng 40 quỹ/loại quỹ tài chính Nhà nước đã được thành lập ở Trung ương và địa phương. Các quỹ đều được thành lập theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật (như: Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc được thành lập theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm y tế được thành lập theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế; Quỹ bảo vệ môi trường được thành lập theo Luật Bảo vệ môi trường; Quỹ bảo trì đường thành lập Luật Giao thông đường bộ…).

Phần lớn là các quỹ có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp trong một lĩnh vực hoặc một địa phương nhất định; chỉ có một số quỹ có quy mô lớn (chiếm khoảng trên 95% tổng số vốn của các quỹ tài chính Nhà nước).

Trên thực tế, mặc dù các quỹ tài chính đã thu hút thêm các nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm giảm bớt sự bao cấp và gánh nặng cho ngân sách nhất là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc y tế, hưu trí, giao thông…, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Các quỹ tài chính này có mối quan hệ chặt chẽ với ngân sách Nhà nước, song Luật NSNN chưa quy định mối quan hệ để điều chỉnh, dẫn đến có xu hướng thành lập nhiều quỹ nhưng nguồn thu của các quỹ lại chủ yếu từ nguồn NSNN làm phân tán nguồn lực của NSNN, một số quỹ hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Theo khảo sát của Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới hiện đang quản lý chặt chẽ các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Nhiều nước yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội về dự toán các quỹ, nhằm kiểm soát hiệu quả và hạn chế việc thiết lập các quỹ ngoài ngân sách.

Theo đó, dự toán thu - chi của các quỹ này thường được cơ quan điều hành quỹ thông qua. Ở một số nước, dự toán thu - chi của các quỹ đòi hỏi phải có sự phê duyệt hoặc xem xét của cơ quan Quốc hội. Ở phần lớn các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Nghị viện không phê duyệt ngân sách thu - chi của quỹ ngoài ngân sách, nhưng được báo cáo về thu - chi của các quỹ này.

Việc quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách ở phần lớn các nước khá chặt chẽ. Nhiều nước yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội về dự toán các quỹ. Các nước khác, cho dù không yêu cầu Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải có tổng hợp báo cáo tình hình thu - chi cho Quốc hội, từ đó tăng cường tính công khai, minh bạch, kiểm soát hiệu quả hoạt động tài chính trong phạm vi thực hiện các chức năng của Chính phủ, đồng thời cũng hạn chế việc thiết lập các quỹ ngoài ngân sách.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/se-thu-hep-cac-quy-tai-chinh-nha-nuoc-ngoai-ngan-sach.aspx