Sẽ thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND ở 10 tỉnh thành

Việc thí điểm sáp nhập dự kiến sẽ triển khai ở 10 tỉnh thành phố, gồm Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP.HCM, Tây Ninh và Tiền Giang.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh Quang Khánh

Trình bày tờ trình về việc xây dựng đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Quốc hội (VPQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (VP HĐND), Văn phòng Ủy ban Nhân dân (VP UBND) tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 18.9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, ngoài các địa phương trên, khuyến khích các tỉnh, thành phố còn lại tiếp tục tham gia thực hiện theo mô hình thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.

Việc lựa chọn danh sách địa phương đưa vào thực hiện thí điểm dựa trên nguyên tắc, đảm bảo đại diện cơ cấu vùng, miền; xét theo đặc điểm của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn.

Thực hiện thí điểm đối với những địa phương chủ động có đề xuất được thực hiện thí điểm trước, những địa phương tích cực và sẵn sàng trong việc áp dụng mô hình mới.

Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ 1.1.2019 đến 31.12.2019, thực hiện theo năm ngân sách.

Sau khi hết thời gian thực hiện thí điểm, các địa phương chủ động báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng để làm cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung 3 luật và tổ chức triển khai thực hiện vào nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong thời gian tổng kết, các tỉnh, thành phố trên vẫn duy trì thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành và chính thức thực hiện mô hình văn phòng thống nhất trên toàn quốc.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Nghị quyết của T.Ư đã nêu rõ chỉ tiến hành thí điểm hợp nhất ở những nơi có đủ điều kiện. Do đó, đề án cần làm rõ thế nào là đủ điều kiện để việc lựa chọn các địa phương thí điểm rõ ràng.

Có nên quy định cứng số cấp phó?

Cũng theo đề án, về vị trí, chức năng của văn phòng hợp nhất là cơ quan cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh tại địa phương.

Văn phòng là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn. Nhiệm vụ của văn phòng mới là toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của 3 văn phòng trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, biên chế của văn phòng mới, văn phòng sẽ có chánh văn phòng và các phó chánh văn phòng.

Đề án cũng đề xuất chánh văn phòng được cơ cấu tham gia ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố nhưng không phải là thành viên HĐND và cũng không phải là thành viên UBND.

Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng phó chánh văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.

Kể từ năm 2020, số lượng phó chánh văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư không quá 4 người; đối với thành phố Hà Nội và TP.HCM không quá 5 người.

Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban, cho biết việc quy định cứng số lượng cấp phó từ năm 2020 là chưa thật sự hợp lý, mà chỉ nên xác định số lượng cấp phó của văn phòng sau khi hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có, đồng thời giao địa phương xây dựng lộ trình, để đến năm 2020 có số lượng phó chánh văn phòng theo quy định chung.

Trong khi đó, nhiều đại biểu băn khoăn khi triển khai trong thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề, 3 trưởng các văn phòng giờ gộp làm một nhưng chỉ chọn 1 người làm chánh văn phòng, như vậy sẽ phải có 2 người xuống làm phó hoặc chuyển công tác, trong khi việc bố trí, sắp xếp ở địa phương rất khó khăn.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói thêm, việc đề án đề xuất chánh văn phòng không phải là thành viên HĐND và không phải là thành viên UBND thì đương nhiên đã loại 2 chánh văn phòng HĐND và UBND, vì hiện tại, cả 2 người này đều là thành viên HĐND và UBND.

Hai phương án số phòng trực thuộc

Về số lượng các phòng trực thuộc, đề án đưa ra 2 phương án: một là thành lập không quá 11 phòng và đơn vị theo đối tượng phục vụ, trong đó có 10 phòng có quy định cụ thể và 1 phòng đặc thù do cấp có thẩm quyền thành lập xem xét, quyết định theo yêu cầu đặc thù của địa phương. Phương án 2 là thành lập 7 phòng và đơn vị theo nội dung, tính chất công việc.

Về phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của văn phòng mới, đề án đề xuất phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.

Chánh văn phòng điều hành toàn bộ công việc của văn phòng và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; thường trực hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân theo lĩnh vực được giao.

Các phó chánh văn phòng giúp chánh văn phòng thực hiện nhiệm vụ theo phân công của chánh văn phòng. Các phó chánh văn phòng phụ trách lĩnh vực đồng thời là thư ký HĐND, thư ký UBND và thư ký Đoàn ĐBQH.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, không nên quy định cứng số phòng mà nên quy định số lượng tối đa các đơn vị trực thuộc và giao cho các địa phương chủ động quyết định, căn cứ vào điều kiện tình hình thực tế.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, phương án 2 hợp lý hơn, vì nếu theo phương án 1 sẽ “nửa vời”, không đảm bảo tính triệt để của việc sáp nhập.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/se-thi-diem-hop-nhat-van-phong-doan-dbqh-hdnd-ubnd-o-10-tinh-thanh-1004282.html