Sẽ thế nào khi thước đo đạo đức trong giáo dục được quy ra tiền?

Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo lí giải của Bộ, theo Nghị định hiện hành, một số hành vi trái pháp luật trong giáo dục đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa có quy định để xử phạt; khung tiền phạt của một số hành vi không còn phù hợp…

Bên cạnh việc bổ sung quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi in, xuất bản sách giáo khoa hoặc sản xuất thiết bị dạy học không đúng quy định, quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm hành chính như tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề; buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ, bản sao văn bằng, chứng chỉ do gian lận để được cấp, cấp không đúng thẩm quyền, cấp không đủ điều kiện; có nội dung không đúng quy định; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng.

Dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa; phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm; phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép. Mức phạt từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng sẽ áp dụng với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày; mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng dành cho hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm.

Nhiều giáo viên đã tỏ ra buồn cho nghề của mình khi những chuẩn mực, đạo đức của nghề bị quy thành tiền để xử phạt. Ảnh: Hưng Nguyễn

Dự thảo đề xuất mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; Hành vi xâm phạm thân thể người học bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai, bị đình chỉ giảng dạy có thời hạn. Dự thảo Nghị định này bắt đầu được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 28-9 đến 25-11, sau đó sẽ được ban hành chính thức.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều giáo viên và phụ huynh đã tỏ ra khá nghi ngại và bất an khi một số quy định xử phạt với mức tiền khá cao áp với một số hành vi được cho là khá nặng và gượng ép. Nhiều giáo viên đã tỏ ra buồn cho nghề của mình khi những chuẩn mực, đạo đức của nghề bị quy thành tiền để xử phạt.

Nhiều thầy cô cho hay, dù không cổ xúy cho việc dạy dỗ học sinh bằng đòn roi, bạo lực, nhưng việc phạt giáo viên với một số tiền lớn hơn rất nhiều tiền lương họ nhận được hằng tháng, sẽ khiến thầy cô lo sợ, áp lực khi lên lớp. Với học sinh chưa ngoan, lười, thiếu ý thức, thậm chí chính các phụ huynh còn không kìm được mà mắng con mình, vậy mà giờ đây có lẽ các thầy cô sẽ làm ngơ để tránh bị phạt.

Không ít giáo viên bày tỏ, dù phản đối việc thầy cô dùng vũ lực với học sinh, nhưng có những lúc, một roi vào tay hoặc vào mông để đưa trẻ về đúng khuôn khổ là điều cần thiết. Nếu chiếc roi ấy xuất phát từ tình thương và cái tâm của người thầy, thì nên được phụ huynh cảm thông. Hoặc có những lúc, học sinh nghịch ngợm, không chịu học bài, thầy cô có la mắng cũng là muốn tốt cho các em… Chính vì vậy, với mức xử phạt mà Bộ đưa ra như vậy là quá nặng. Nếu sau này, những hành vi trên đều bị quy kết là xúc phạm danh dự, hay xâm phạm thân thể học sinh, thầy cô sẽ mang theo nỗi bất an mỗi giờ lên lớp.

Đa số các phụ huynh đều có sự đồng tình với cách dạy dỗ hiện nay của giáo viên, họ đồng tình con em mình cần được giáo viên nghiêm khắc, có thể mắng nhưng có mức độ nhất định, không gây thương tích nặng nề đến các em. Nếu sai phạm sẽ xử phạt hợp lý. Tuy nhiên, với số tiền lên đến 20 triệu đồng được cho là quá cao.

Về việc xử phạt khi giáo viên tổ chức học thêm, theo một phụ huynh đang có con học cấp 1 tại một trường điểm của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: “Việc dạy thêm vốn xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh. Việc giáo viên ép buộc là không hay nhưng với mức xử phạt đấy nên cân chỉnh hợp lý. Nếu ngành giáo dục đảm bảo mức thu nhập cho giáo viên thì tôi chắc chắn rất ít giáo viên muốn dạy thêm”.

Cùng quan điểm này, nhiều phụ huynh cũng cho biết, việc học thêm là trên tinh thần tự nguyện, trường hợp ép buộc là khá ít, vì thường trong một lớp, những ai có nhu cầu cho con học thêm sẽ tự nguyện đăng ký. Nhưng nếu theo dự thảo Nghị định mới, giáo viên tổ chức lớp học thêm (không có yếu tố ép buộc học sinh) cũng bị phạt tiền. Các phụ huynh cho rằng, thực sự quy định quá gượng ép này đã đẩy nhiều giáo viên và cả phụ huynh vào thế khó, phụ huynh muốn con được học thêm cũng không thể và sẽ nảy sinh hệ lụy khi các phụ huynh buộc phải tìm đến các trung tâm học thêm với giá cả khá cao và chất lượng thì chưa chắc đảm bảo bằng chính các thầy cô đang trực tiếp dậy con mình.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/se-the-nao-khi-thuoc-do-dao-duc-trong-giao-duc-duoc-quy-ra-tien-123228.html