Sẽ sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực 'mở đường' cho tư nhân làm truyền tải điện?

Trả lời chất vấn Quốc hội chiều 6/11 về tình trạng quá tải lưới điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất là sự hạn chế về nguồn lực của nhà nước và của EVN.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong dài hạn, để giải quyết tình trạng quá tải lưới điện, Bộ Công Thương sẽ “tham mưu, báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực, để làm rõ ràng cơ chế mới, cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện, mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500kV”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trong trường hợp không sửa luật, ông Tuấn Anh đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra một văn bản hướng dẫn pháp luật để Bộ Công Thương vận dụng những quy chế trong Luật Đầu tư, Luật Điện lực, từ đó cho phép xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện. “Việc xã hội hóa đầu tư không làm mất vai trò độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện, bởi việc này có thể áp dụng dưới hình thức BT”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiện nay Tập đoàn Trung Nam đã có nghiên cứu báo cáo với Bộ Công Thương và các bộ, ngành để đề xuất đầu tư xây dựng đường dây 500kV. Được biết, Tập đoàn Trung Nam đã đề xuất đầu tư ở Ninh Thuận một trạm 500kV cùng đoạn đường dây 500kV đấu nối vào Vĩnh Tân dài gần 30 km và sẵn sàng bàn giao miễn phí cho EVN.

“Mới đây nhất, chúng tôi được biết trong dự thảo luật về PPP đã cho phép đưa vào để đa dạng hơn nguồn đầu tư của xã hội trong lĩnh vực truyền tải để đảm bảo giảm tải công suất. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện những nhiệm vụ này”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Tuy vậy, việc cho phép một doanh nghiệp đầu tư hệ thống truyền tải điện không phải là chuyện đơn giản. Hồi tháng 10, báo Đầu tư dẫn lời ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) chỉ ra một loạt vấn đề của việc tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải.

Một là, Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước và hiện chi phí truyền tải chưa đến 100 đồng/kWh. Như vậy, khi tư nhân đầu tư truyền tải thì phải xác định phí truyền tải để bù đắp lại khoản đầu tư này và chắc chắn con số này sẽ không rẻ như mức 100 đồng/kWh hiện nay.

Hai là, việc tham gia của bên thứ ba vào đường dây truyền tải này. “Khi có đường dây do một nhà đầu tư tư nhân làm thì một bên thứ ba muốn đấu nối vào đó sẽ xử lý thế nào, nếu nhà đầu tư đường dây nói là đã đầy tải, không đồng ý cho đấu nối? “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm điều phối trong việc dùng chung lưới điện truyền tải để bên thứ ba có thể phát điện tới người mua cuối cùng? Như vậy, sẽ dẫn tới lãng phí tài nguyên quốc gia trên bình diện chung”, ông Kim nói.

Vẫn theo ông Kim, đúng là tư nhân làm thì sẽ nhanh hơn về mặt thủ tục, nhưng cuối cùng vẫn phải tính hết vào giá điện, mà giá điện thì nhà nước đang điều tiết nên không dễ tăng lên mạnh được. Ngoài ra, cũng cần thấy rằng tư nhân phải thu được lợi ích thì mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư đường truyền tải.

Tập đoàn Trung Nam có đề xuất đầu tư ở Ninh Thuận một trạm 500 kV cùng đoạn đường dây 500 kV đấu nối vào Vĩnh Tân dài gần 30 km và nói là sẵn sàng bàn giao miễn phí cho EVN. Nhưng đồng thời Tập đoàn Trung Nam cũng yêu cầu được bổ sung vào quy hoạch điện thêm khoảng 400 MW điện mặt trời của họ tại Ninh Thuận nữa. Vậy thì đường dây đó cũng chủ yếu xây phục vụ họ chứ không phải để cho tất cả cùng dùng”, ông Kim cho biết.

Nguyễn Việt

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/se-sua-luat-dau-tu-luat-dien-luc-mo-duong-cho-tu-nhan-lam-truyen-tai-dien-160965.html